Thứ 4, 21/05/2025, 23:08[GMT+7]

Quốc hội quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031

Thứ 4, 21/05/2025 | 15:48:28
694 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 21/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, với 449/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100%.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Theo đó, Nghị quyết quyết nghị rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND .

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thể hiện sự thống nhất với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 các luật có liên quan để thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đồng thời, đại biểu cũng góp ý vào một số nội dung cụ thể như: cần quy định rõ trong dự thảo luật về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu tương tự như cách quy định của luật hiện hành về trách nhiệm bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, HĐND Ủy ban bầu cử, tổ bầu cử tương ứng đối với từng nhiệm vụ cụ thể; Về các bước quy trình bầu cử, đại biểu cho rằng, việc giữ các bước trong quy trình, thủ tục bầu cử là cần thiết để bảo đảm sự ổn định, chặt chẽ, hạn chế xáo trộn đồng thời nhất trí cho rằng việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình bầu cử là yêu cầu chính trị đặt ra trong sửa đổi luật nhằm thu hẹp thời gian kể từ khi bế mạc Đại hội Đảng đến khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội hoặc kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp. Tuy nhiên, đề nghị tổng thể tổ chức bầu cử trong 50 ngày từ ngày nộp hồ sơ, tổ chức kỳ họp thứ nhất của khóa mới trong 71 ngày sau khi Đại hội Đảng kết thúc. Với khoảng thời gian như vậy sẽ đáp ứng được một cách hài hòa giữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị với bảo đảm quá trình thực thi được thực chất cũng như bảo đảm chất lượng công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)