Thứ 5, 22/05/2025, 16:00[GMT+7]

Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật - mạch sống để nhà máy phát triển

Thứ 5, 22/05/2025 | 09:00:49
350 lượt xem
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một trong những công trình trọng điểm của ngành điện Việt Nam, không chỉ có nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện ổn định cho hệ thống quốc gia mà còn là biểu tượng cho sự sáng tạo và cải tiến kỹ thuật trong ngành công nghiệp năng lượng. Trong suốt quá trình vận hành, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại đây đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự cố và kéo dài tuổi thọ thiết bị và được được ví như “mạch sống” giúp Nhà máy phát triển bền vững.

Cán bộ, công nhân Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 luôn bám sát tình hình thực tiễn, trăn trở tìm giải pháp cải tạo cách làm cho hiệu quả.

Công thức giải những khó khăn 

Khởi công vào tháng 3/2011, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200MW được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm cung cấp điện quan trọng cho khu vực Bắc Bộ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi công, Nhà máy đã gặp phải không ít khó khăn. Dự án thậm chí có thời điểm phải dừng đầu tư xây dựng và mãi đến tháng 4/2023, sau 12 năm thi công, Nhà máy mới hoàn thành. Điều này đã khiến nhiều công trình, thiết bị xuống cấp và một số công nghệ bắt đầu trở nên lạc hậu so với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp năng lượng. Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chia sẻ: Việc ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng là rất quan trọng đối với Nhà máy. Nó không chỉ giúp Nhà máy vượt qua những khó khăn mà còn mang lại hiệu quả vượt trội, trong đó có bài toán làm thế nào tiết kiệm chi phí sản xuất và gia tăng tuổi thọ thiết bị và vận hành an toàn, hiệu quả dự án. 

Một trong những sáng kiến đáng chú ý tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là việc cải tạo hệ thống ống hút nước đầu vào từ sông Diêm Hộ về bể chứa để phục vụ làm mát của nhóm kỹ sư phân xưởng bảo dưỡng, sửa chữa. Thiết kế ban đầu của hệ thống hút nước bộc lộ một số bất cập với 3 đầu hút đều đặt ở độ sâu -3,5m. Khi thủy triều và lưu lượng nước trên sông thay đổi theo mùa, dẫn đến chất lượng nước đầu vào thấp, gây tốn kém chi phí xử lý và hao mòn thiết bị nhanh, tạo áp lực cho công tác bảo vệ môi trường. Nhờ sự sáng tạo và quyết tâm của các kỹ sư, hệ thống hút nước đã được cải tạo lại để mang đến hiệu quả tối ưu hơn. Anh Nguyễn Thái Chuẩn, Tổ trưởng Tổ thiết bị quay, phân xưởng bảo dưỡng, sửa chữa của Nhà máy cho biết: Chúng tôi nghiên cứu kỹ thông số kỹ thuật của hệ thống thiết bị và thực trạng nguồn nước, từ đó đưa ra giải pháp cải tạo nâng đầu hút nước từ độ sâu -3,5m thiết kế ban đầu lên các mức lần lượt là -2m, -1,5m và -1m so với mặt nước. Việc cải tạo này giúp giảm lượng hóa chất xử lý nước, tiết kiệm được 1,59 tỷ đồng, rút ngắn thời gian xử lý hóa chất và kéo dài tuổi thọ thiết bị. 

Một sáng kiến khác đã được Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đánh giá cao và đưa vào áp dụng là giải pháp thay đổi phương thức đo bể sluice. Trước đây, Nhà máy sử dụng phương pháp đo siêu âm, nhưng phương pháp này gặp phải sự nhiễu loạn của thời tiết, dẫn đến kết quả đo không chính xác. Anh Lê Trọng Bình, công nhân tổ đo lường tự động hóa cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu và đề xuất chuyển sang phương pháp đo chênh áp suất sủi bọt để khắc phục vấn đề này. Anh Bình chia sẻ: Với phương pháp mới, chúng tôi có thể khắc phục sự nhiễu loạn do thời tiết và tăng độ chính xác trong đo lường, đồng thời giảm chi phí vận hành, tiết kiệm chi phí hạ tầng và bảo trì thiết bị giúp nâng cao hiệu quả công việc. 

Xây dựng phong trào sáng tạo 

Những sáng kiến như cải tạo hệ thống hút nước và phương pháp đo bể sluice chỉ là hai trong số hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Năm 2024, đã có gần 100 ý tưởng sáng kiến, trong đó có gần 40 sáng kiến được công nhận và áp dụng trong quá trình vận hành sản xuất. Có thể nói, việc nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, là một phần quan trọng trong văn hóa lao động của Nhà máy. Ông Nguyễn Văn Chung cho biết thêm: Chúng tôi đã xây dựng một quy chế khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đi kèm với các cơ chế khen thưởng và chi trả thù lao cho các tác giả sáng kiến. Đây là cách chúng tôi động viên cán bộ, công nhân mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi quy trình làm việc để đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng luôn lắng nghe, chia sẻ khó khăn và kịp thời tháo gỡ để công tác nghiên cứu khoa học của người lao động thuận lợi, sớm đưa sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn. 

Phong trào sáng tạo tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được thúc đẩy bởi ban lãnh đạo, đồng thời có sự chủ động, nhiệt huyết, trách nhiệm và tinh thần cống hiến của mỗi cán bộ, công nhân. Họ không ngừng tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh gây vướng mắc, kém hiệu quả trong công việc, từ việc tiết kiệm chi phí cho đến cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất. 

Anh Nguyễn Thái Chuẩn - người có nhiều sáng kiến cho biết thêm: Từ yêu cầu thực tiễn công việc, chúng tôi luôn tìm tòi nghiên cứu để bản thân và đồng nghiệp giảm thời gian làm việc trên công trường, tăng năng suất và tiết kiệm chi phí cho Nhà máy. Cùng với đó, sự ghi nhận và động viên kịp thời của ban lãnh đạo Nhà máy cũng tạo động lực cho chúng tôi nghiên cứu có thêm những sáng kiến cải tiến kỹ thuật. 

Để có được những sáng kiến cải tiến chất lượng cao, kinh nghiệm của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đó là, chú trọng đến việc khuyến khích các sáng kiến, nhất là đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện tay nghề cho cán bộ, công nhân. Những chương trình đào tạo về khoa học công nghệ, an toàn lao động và các kỹ thuật mới được tổ chức thường xuyên giúp người lao động nâng cao trình độ và vận dụng các công nghệ tiên tiến vào công việc. 

Những sáng kiến nhỏ của cán bộ, công nhân Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã mang lại lợi ích rất lớn: Nhà máy đạt sản lượng điện 6,1 tỷ kWh, vượt kế hoạch được giao, duy trì vận hành liên tục, an toàn, tiết kiệm chi phí, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhà máy đã trở thành hình mẫu về công tác nghiên cứu khoa học và việc áp dụng các giải pháp sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một dự án năng lượng trọng điểm quốc gia.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có thời gian đầu tư xây dựng 12 năm nên có nhiều công trình, thiết bị xuống cấp và một số công nghệ bắt đầu lạc hậu.

Khắc Duẩn