Phát huy giá trị di sản, đưa Thái Bình trở thành điểm đến trải nghiệm thú vị
Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) là điểm đến trên hành trình giáo dục truyền thống lịch sử địa phương.
Kho tàng di sản phong phú
Suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Thái Bình hội tụ nhiều luồng cư dân từ các vùng miền khác nhau về sinh sống, khai phá đất đai, lập làng, lấy việc trồng lúa nước làm phương thức sống chủ yếu và mang theo những phong tục, tập quán sinh hoạt văn hóa. Chính những yếu tố đó đã tạo cho nơi đây kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và giá trị. Di tích lịch sử là thành tố quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa, là bằng chứng xác thực về đặc điểm lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây cũng là thông điệp của quá khứ được truyền lại cho thế hệ sau, nơi giúp mỗi người cảm nhận truyền thống dân tộc, tìm đến với truyền thống lịch sử, những giá trị đạo đức, thẩm mỹ, tín ngưỡng, tâm linh... Trên cơ sở truyền thống đó, các thế hệ đi sau có cơ hội tiếp nối và sáng tạo giá trị văn hóa mới.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh thông tin: Theo danh mục kiểm kê di tích đã được công bố, tỉnh Thái Bình có số lượng di tích khá lớn nhưng mật độ di tích phân bố ở các huyện không đồng đều. Di tích tập trung dày đặc ở các huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Đông Hưng, Quỳnh Phụ với 1.917 di tích, chiếm trên 60% tổng số di tích toàn tỉnh. Ngoài 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là chùa Keo (Vũ Thư) và khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (Hưng Hà), trên địa bàn tỉnh có 125 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Phần lớn các di tích này thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Đông Hưng. Qua nghiên cứu cho thấy trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích kiến trúc vào thời Lê, sau đó được trùng tu, xây dựng lại vào thời Nguyễn. Vì vậy, trong quyết định xếp hạng, các di tích này được xác định có niên đại vào thời Lê - Nguyễn. Đây là các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tiêu biểu, cần được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích cấp quốc gia.
Về góc độ phân loại loại hình, các di tích trên địa bàn tỉnh là di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ. Loại hình nào cũng có những công trình giàu giá trị về lịch sử và văn hóa. Có thể kể đến các di tích khảo cổ thuộc vùng đất Ngự Thiên xưa, huyện Hưng Hà ngày nay như: khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức; Hành cung Lỗ Giang, xã Hồng Minh; chùa Còng, xã Minh Tân... Ở loại hình kiến trúc nghệ thuật, phải kể đến: chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư); đình An Cố, xã An Tân (Thái Thụy), miếu Hai Thôn, xã Xuân Hòa (Vũ Thư)... Ngoài ra, những di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến nổi bật như: khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy); Trường Tổng Vị Sĩ, xã Chí Hòa (Hưng Hà); làng kháng chiến Nguyên Xá (Đông Hưng)... đang phát huy vai trò tích cực trong công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Di sản văn hóa là điểm đến trên hành trình phát triển du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Múa rối nước tại phường rối nước Đông Các (Đông Hưng).
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Để khai thác, phát huy tốt nguồn tài nguyên từ hệ thống thiết chế văn hóa cổ, năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nghị quyết xác định: Phát triển du lịch phải dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có; bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương tạo thành điểm nhấn trong chuỗi liên kết trong bản đồ du lịch của khu vực. Đồng thời, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có sự đồng thuận, chung tay, góp sức tham gia của toàn xã hội với quyết tâm cao, tích cực, kiên trì, quyết liệt; có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý hiệu quả của chính quyền; huy động nguồn lực và phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó sự tham gia tích cực, sáng tạo của người dân trong các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, vừa tăng thu nhập, làm giàu về kinh tế vừa góp phần làm giàu về văn hóa cho mỗi vùng đất, địa phương.
Từ định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Bình đề ra mục tiêu đến năm 2030 đón trên 4,5 triệu lượt khách/năm, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế; giải quyết việc làm cho khoảng 14.600 lao động phục vụ du lịch; doanh thu từ du lịch ước đạt 7.000 tỷ đồng. Đến năm 2050, đón trên 9 triệu lượt khách/năm, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế trở lên; giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động phục vụ du lịch; doanh thu du lịch ước đạt trên 18.000 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách đã góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Thái Bình, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo, tham quan, du lịch không những của người dân Thái Bình mà cả các du khách ở trong và ngoài nước. Hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh đã có nhiều tiến triển, số lượng du khách và thu nhập xã hội từ du lịch tiếp tục tăng lên. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp với Viễn thông Thái Bình hợp tác tích hợp các công nghệ mới trong việc truyền tải thông tin về du lịch Thái Bình đến du khách trong và ngoài nước; đồng thời là kênh tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh từ khách du lịch đến các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đây là một trong những bước đi cụ thể trong lộ trình số hóa và kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng công nghệ thông minh.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, quan tâm công tác quảng bá, giới thiệu về đa dạng điểm đến ấn tượng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng. Với thông điệp “Thái Bình - vùng đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc”, tin rằng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, sự đồng lòng của người dân nơi có di sản văn hóa, Thái Bình sẽ sớm trở thành điểm đến trải nghiệm thú vị trên hành trình khám phá mảnh đất hình chữ S của du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội truyền thống góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong ảnh: đền Tiên La, xã Đoan Hùng (Hưng Hà).
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Hội Nhà báo Việt Nam - Hành trình “Về nguồn” 20.04.2025 | 17:10 PM
- Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2025 09.03.2025 | 18:18 PM
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
Xem tin theo ngày
-
Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
- Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại biểu đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc
- Tỉnh Trà Vinh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm kết nghĩa Trà Vinh - Thái Bình
- Đoàn công tác tỉnh Thái Bình thăm Trường THCS Thái Bình tại huyện Càng Long
- Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ