Thứ 6, 16/05/2025, 14:44[GMT+7]

Giải pháp nâng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Thứ 2, 12/10/2015 | 09:28:41
2,506 lượt xem
Những năm gần đây, ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai rộng rãi, gắn chặt với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Biểu diễn văn nghệ của phụ nữ thôn Liên Hồng xã Bách Thuận (Vũ Thư) trong ngày hội Đại đoàn kết. Ảnh: Minh Đức

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí liên quan đến văn hóa là tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (văn hóa). Đây là hai tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện vì muốn hoàn thành các tiêu chí này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và phải phát huy được tính tự giác, tích cực, tinh thần đoàn kết của nhân dân địa phương. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh và các huyện, thành phố, ở nhiều xã, phường, thị trấn, các cấp ủy đảng, chính quyền đã có những cách làm sáng tạo, dân vận khéo, huy động được sức người, sức của trong dân. Nhờ vậy, thời gian gần đây, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng chục nhà văn hóa, sân thể thao thôn được xây mới, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa tại các địa phương.

Đối với tiêu chí số 16, nhận thức sâu sắc gia đình văn hóa chính là hạt nhân cấu thành thôn làng, tổ dân phố văn hóa, những năm gần đây, phong trào xây dựng gia đình văn hóa - một trong những nội dung quan trọng trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai thực hiện nghiêm túc tại nhiều địa phương. Bằng việc hàng năm các thôn, làng, tổ dân phố tổ chức cho người dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức sơ kết, đánh giá, công bố quyết định công nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, gia đình có thành tích thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Số gia đình văn hóa, thôn làng, tổ dân phố văn hóa tăng liên tục qua các năm. Nếu như năm 2011 toàn tỉnh có 72% gia đình văn hóa, 46% thôn làng, tổ dân phố văn hóa thì đến năm 2014, số gia đình văn hóa đạt 79,5% (tăng 7,5%), số thôn làng, tổ dân phố văn hóa đạt 57% (tăng 11%), 31,8% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Tuy nhiên, so sánh với kết quả đạt được từ các phong trào khác, kết quả của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua còn khiêm tốn. Phong trào phát triển nhưng chất lượng chưa đồng đều giữa các địa phương. Việc bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa ở một số thôn, xã còn mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ. Số gia đình văn hóa tăng nhưng nếp sống tốt đẹp của gia đình truyền thống có nguy cơ bị mai một. Tại một số lễ hội cấp thôn làng, cờ bạc trá hình vẫn len lỏi, chưa được xử lý kiên quyết. Ý thức xử lý rác thải của một bộ phận người dân chưa cao…

Ông Bùi Công Phượng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh cho biết: Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện và các xã, phường, thị trấn cần nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, từ đó phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Quyết định số 17 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền, phổ biến các nội dung phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến các tầng lớp nhân dân. Ban chỉ đạo phong trào các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn cần đa dạng hóa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện các nội dung của phong trào, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phong trào tại cơ sở, đưa phong trào đi vào thực chất, nâng chất lượng gia đình văn hóa, thôn làng, tổ dân phố văn hóa, hình thành nếp sống văn hóa nông thôn mới. Muốn thực hiện được những công việc trên, tỉnh cần quan tâm đầu tư kinh phí cho ban chỉ đạo phong trào các cấp hoạt động, khen thưởng các danh hiệu phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở.

" Để phong trào phát triển theo chiều sâu, công tác tuyên truyền tại các địa phương cần tránh kiểu "kèn rong trống mở", hô khẩu hiệu mà nên đi vào cụ thể, biểu dương những gương gia đình văn hóa, những thôn làng, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu, điển hình. Cấp ủy, chính quyền các thôn, xã cần tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến người dân, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện phong trào."

(Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Vũ Hường

  • Từ khóa