Thứ 2, 19/05/2025, 04:35[GMT+7]

Nhà khoa học đặt niềm tin vào cơ hội mới

Chủ nhật, 18/05/2025 | 09:42:29
443 lượt xem
Những người làm khoa học và phát triển công nghệ cho rằng môi trường, thể chế đang dần cải thiện, mở ra nhiều cơ hội, nhất là sau khi có Nghị quyết 57.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Tại sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam chiều 16/5, nhiều nhà khoa học bày tỏ sự hứng khởi trước những chuyển biến lớn của đất nước. Họ cũng khẳng định sẽ tham gia, đóng góp cùng những chuyển động này.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nhận định Nghị quyết 57 là động lực quan trọng với giới nghiên cứu.

Là người nghiên cứu về Khoa học Trái Đất, bà cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng, kỷ lục về nhiệt độ của Trái Đất liên tục bị phá vỡ. Vì vậy bà Ngà đánh giá nhà khoa học cần "gia tăng khả năng nắm bắt những 'bí mật' của trời để giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản, đảm bảo hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên hiệu quả".

Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, sự ra đời của các chính sách tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia chính là nền tảng để có không gian cho nhà khoa học nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Những công nghệ mới như máy bay không người lái, tên lửa thám sát, dữ liệu lớn, AI sẽ giúp giải các bài toán lớn về Khoa học Trái Đất. "Đây là cơ hội để đầu tư những tư liệu và phương thức sản xuất mới, phục vụ đòi hỏi của khoa học hiện nay", bà Ngà nhận định.

Bà cũng kỳ vọng việc cởi trói thể chế sẽ giúp các nhà khoa học có môi trường pháp lý thuận lợi để triển khai các dự án nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt dám thử thách với rủi ro để sáng tạo. Theo PGS Ngà, chỉ như vậy, các nhà khoa học mới có thể "dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất những ý tưởng mới. Có như vậy khoa học mới đi trước và dẫn dắt cho sản xuất phát triển".
Nhìn ở góc độ đơn vị ứng dụng và phát triển công nghệ, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Hachi Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Theo bà Hương, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh toàn cầu, người nông dân không thể một mình ứng phó. Họ cần tiếp cận với công nghệ, thị trường, tri thức, cùng những mô hình nông nghiệp thông minh có chi phí phù hợp, dễ tiếp cận.

Trong bối cảnh đó, đơn vị này đã triển khai 250 mô hình nhà kính thông minh chi phí thấp, kết hợp nền tảng điều khiển khí hậu qua smartphone. Nhờ nhà kính thông minh, người nông dân tại Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang có thể trồng dưa lưới, dược liệu, rau sạch quanh năm, bất chấp thời tiết.

Tại sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, bà Hương khẳng định trí tuệ Việt, đổi mới sáng tạo và công nghệ xanh đang trở thành lực đẩy cho nền nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên 4.0. Mỗi người nông dân không chỉ là người sản xuất, mà là người làm chủ công nghệ, chiến binh xanh trong trận chiến vì khí hậu và phát triển bền vững.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, cùng với Misa, GrowMax, MedCAT là những cá nhân, tập thể được vinh danh tại Ngày khoa học công nghệ Việt Nam 2025. Ảnh: Giang Huy

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, cùng Misa, GrowMax, MedCAT là những cá nhân, tập thể được vinh danh tại Ngày khoa học công nghệ Việt Nam 2025.

Lần đầu dự sự kiện Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, ông Đinh Văn Quân, đại diện GrowMax, đánh giá việc ban hành Nghị quyết 57 - "Khoán 10" trong khoa học công nghệ đã tạo ra bước ngoặt quan trọng. "Nút thắt sẽ được gỡ bỏ để doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển. Cũng vì thế, cơ hội của các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng rộng mở", ông nhận định.

GrowMax hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Hưởng ứng lời kêu gọi về phát triển khoa học công nghệ, công ty đang nghiên cứu, phát triển "thức ăn chức năng" cho tôm. "Tôm không có hệ miễn dịch chủ động. Thức ăn chức năng giúp nâng cao sức đề kháng, tăng tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng cho tôm nuôi, hạn chế rủi ro mất giá khi được mùa", ông chia sẻ.

Với nhiều năm phát triển giải pháp số hóa và xử lý dữ liệu phi cấu trúc, Tổng giám đốc MedCAT Đặng Thị Ánh Tuyết nhận định Nghị quyết 57 tạo động lực và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. "Với chính sách và cơ chế hỗ trợ phù hợp, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá", bà kỳ vọng.

Tại chương trình kỷ niệm Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng tặng bằng khen, vinh danh các tổ chức, cá nhân đã có những thành tựu, khẳng định vị thế tiên phong bằng những sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh chặng đường đã qua mỗi cán bộ ngành đều "hết sức tự hào và tri ân sâu sắc công lao, trí tuệ và sự cống hiến thầm lặng của các thế hệ cha anh đi trước". Những người đã đặt nền móng vững chắc cho những thành tựu hôm nay, góp phần làm nên diện mạo Việt Nam tươi sáng hơn, mạnh mẽ hơn. Ông khẳng định "cùng nhau quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước".

Theo: vnexpress.net