Trình Quốc hội dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Nhiều điểm mới trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Bộ trưởng cho biết, mục đích của luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Về chi phí và kinh phí, dự thảo luật quy định trường hợp Việt Nam là nước chuyển giao, Việt Nam chi trả các chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh đến thời điểm bàn giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp là nước nhận, Việt Nam chi trả mọi chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh từ thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Kinh phí cho công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Người đang chấp hành án phạt tù hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thể tự nguyện đóng góp, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình dự án Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân khu vực nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận.
Về điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo luật quy định người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận, chuyển giao khi có đủ các điều kiện:
(i) Là công dân Việt Nam (trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) hoặc là công dân của nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc nước nhận đồng ý tiếp nhận (trường hợp chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài).
(ii) Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án phạt tù cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước chuyển giao (hoặc nước nhận).
(iii) Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là một năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể ít hơn một năm.
(iv) Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật.
(v) Có sự đồng ý của Việt Nam và nước chuyển giao (hoặc nước nhận).
(vi) Có sự đồng ý của người được chuyển giao. Trường hợp người được chuyển giao không có đầy đủ năng lực để đồng ý theo pháp luật của nước chuyển giao phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó.
Các quy định này cơ bản kế thừa quy định tại Điều 50 của Luật Tương trợ tư pháp.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được về Việt Nam tiếp tục chấp hành án phạt tù, trong trường hợp Việt Nam là nước nhận, dự thảo Luật bỏ quy định về người đang chấp hành án phạt tù có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam và quy định thời hạn còn lại tiếp tục thi hành án ít nhất 6 tháng trong trường hợp đặc biệt.
Đây là các nội dung mới so với Luật Tương trợ tư pháp. Dự thảo luật quy định Chính phủ quy định chi tiết trường hợp đặc biệt nếu thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít hơn một năm.
Bổ sung các quy định cụ thể hơn về chuyển đổi hình phạt tù
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng Luật.
Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản nhất trí quy định cụ thể các điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại và giao Bộ Công an quyết định việc tiếp nhận hoặc từ chối yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định để bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, chủ động, linh hoạt trong thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Bộ Công an cần lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao trước khi áp dụng nguyên tắc có đi có lại để bảo đảm tính đầy đủ, thận trọng.
Đa số ý kiến tán thành quy định về kinh phí chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Việc bổ sung quy định về tự nguyện đóng góp, hỗ trợ chi phí cho người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao là cần thiết, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời tôn trọng sự tự nguyện đóng góp của các chủ thể.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định có tính nguyên tắc để phân định rõ giữa khoản chi do ngân sách nhà nước bảo đảm và khoản chi do tự nguyện đóng góp, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định "kinh phí cho công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước". Lý do, nếu bổ sung khoản kinh phí tự nguyện đóng góp, hỗ trợ thì khó tách bạch với kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Về chuyển đổi hình phạt, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành quy định cụ thể về chuyển đổi hình phạt tù trong dự thảo luật vì liên quan đến chính sách hình sự và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Cho rằng chuyển đổi hình phạt tù là vấn đề lớn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người đang chấp hành án phạt tù, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chính sách hình sự trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam với quy định về hình phạt tù của các nước, quy định của các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên, trên cơ sở đó bổ sung các quy định cụ thể hơn về chuyển đổi hình phạt tù.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị