Thứ 6, 09/05/2025, 20:35[GMT+7]

Mở đường cho đối thoại thương mại Mỹ-Canada

Thứ 6, 09/05/2025 | 08:55:06
702 lượt xem
Cuộc hội đàm đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Mark Carney được cả hai bên đánh giá là cuộc thảo luận sâu rộng, mang tính xây dựng. Chưa thể khai thông bế tắc trong các vấn đề bất đồng sâu sắc, nhất là thuế quan, song bầu không khí trao đổi tích cực được kỳ vọng khởi đầu giai đoạn đối thoại tăng cường giữa hai nước láng giềng.

Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump chào đón Thủ tướng Canada Mark Carney tại Nhà trắng ở Washington, D.C., ngày 6/5/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Chuyến thăm Mỹ và cuộc hội đàm với Tổng thống Trump hôm 6/5 tại Nhà trắng đánh dấu hoạt động công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Carney, chỉ ít ngày sau khi đảng Tự do do ông lãnh đạo chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang của Canada hôm 28/4. Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Canada gặp sóng gió, xuất phát từ bất đồng về chính sách thuế quan và đề xuất gây tranh cãi liên quan vị thế quốc gia Canada.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở khu vực Bắc Mỹ leo thang từ hồi tháng 3, sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada, kể cả các sản phẩm nhôm, thép và ô-tô không thuộc phạm vi của Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), trừ năng lượng chịu mức thuế 10%.

Đáp lại, Canada cũng áp dụng mức thuế 25% và các khoản phí bổ sung đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá gần 60 tỷ CAD (khoảng 43,6 tỷ USD) gồm cả nhôm, thép và hàng tiêu dùng như nước trái cây, rượu mạnh, quần áo, mỹ phẩm, máy vi tính…

Chính sách thuế quan mới đã khiến kim ngạch thương mại giữa hai nước giảm mạnh. Các cuộc đàm phán đã được khởi động, tuy nhiên chưa mang lại kết quả tích cực. Bởi vậy, chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Canada được cả hai bên chờ đợi và kỳ vọng tạo cơ hội lớn để trao đổi, giải tỏa bất đồng, hướng tới hợp tác cùng có lợi. Ngay trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Carney đăng bình luận trên mạng xã hội X cho rằng Canada và Mỹ sẽ cùng mạnh mẽ khi hai bên hợp tác.

Đoàn Canada tháp tùng Thủ tướng Carney thăm Mỹ có các quan chức cấp cao, gồm Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Dominic LeBlanc, Bộ trưởng An ninh công cộng David McGuinty và Đại sứ Canada tại Mỹ Krissten Hillman.

Về phía Mỹ, cùng Tổng thống Trump đón tiếp, trao đổi với đoàn Canada có Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Geer. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ thương mại song phương và thể hiện thiện chí đối thoại của cả hai bên.

Bầu không khí của cuộc hội đàm tại Nhà trắng giữa các nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn của khu vực Bắc Mỹ được mô tả là khá tích cực. Tranh cãi chung quanh vấn đề thuế quan và thương mại tiếp tục gay gắt, song đã không đẩy cuộc trao đổi đi vào ngõ cụt, dù hai bên tiếp tục giữ lập trường và chưa đưa ra nhượng bộ nào đáng kể.

Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định không dỡ bỏ mức thuế 25% hiện áp dụng đối với hàng hóa Canada, song cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết thông qua đàm phán. Nhà lãnh đạo Mỹ còn nhấn mạnh “trân trọng Canada mua hàng của Mỹ” và tin rằng làn sóng tẩy chay hàng hóa Mỹ ở Canada do ảnh hưởng của các mức thuế cao sẽ không kéo dài.

Cũng thể hiện rõ thiện chí đối thoại giải quyết bất đồng, Thủ tướng Carney nhận định vấn đề thuế quan giữa Canada và Mỹ rất phức tạp, song các cuộc đàm phán đến nay đã đạt “một số tiến triển”. Ông Carney nhấn mạnh, không đạt kết quả đột phá, song cuộc đối thoại đầu tiên với Tổng thống Trump mang tính xây dựng, với nội dung thảo luận sâu rộng.

Hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại, trước mắt là cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp được tổ chức tại Alberta, Canada. Hai bên cũng mong muốn thúc đẩy đàm phán điều chỉnh một số điểm chính trong Hiệp định USMCA khi văn kiện này đến kỳ đánh giá lại vào tháng 7/2026, sau 6 năm thực thi.

Canada là đối tác thương mại song phương lớn thứ hai của Mỹ trong khu vực và cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng hóa Mỹ. Ước tính năm 2024, tổng giá trị hàng hóa trao đổi giữa hai nước vượt 760 tỷ USD. Việc duy trì quan hệ thương mại là mục tiêu và lợi ích quan trọng. Dù chưa đạt bước đột phá, song cuộc trao đổi trực tiếp lần đầu giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Canada vẫn là bước khởi đầu mới, mở đường cho tiến trình đối thoại tiếp theo, hướng tới thiết lập lại quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu khu vực.

Theo: nhandan.vn


  • Từ khóa