Thứ 3, 29/04/2025, 15:15[GMT+7]

Phạm Quyết Chiến - người lính có sức mạnh phi thường

Thứ 3, 29/04/2025 | 09:38:23
480 lượt xem
Theo hình dung thông thường, dũng sĩ là người cao lớn, lực lưỡng. Thế nhưng, cựu chiến binh Phạm Quyết Chiến, thôn Hội, xã Minh Khai (Vũ Thư) được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” năm 1971 khi ông chỉ nặng khoảng 37 - 38kg. Tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc đã hun đúc trong ông sức mạnh phi thường.

Ông Phạm Quyết Chiến và các cựu chiến binh xã Minh Khai (Vũ Thư) với thế hệ trẻ địa phương.

Năm 1965, khi tròn 20 tuổi, ông Chiến vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và đã sớm được tin tưởng phân công làm chủ nhiệm HTX tại địa phương. Thế rồi nghe tin chiến trường ác liệt, ông nhiều lần viết đơn xin đi bộ đội, khát khao được lên đường bảo vệ Tổ quốc. Do gia đình có 1 con trai, vóc người lại quá bé nhỏ nên lần nào khám tuyển ông cũng bị “trượt”. Tháng 7/1968, huyện tổ chức 1 đợt khám tuyển tại xã, trước khi ra khám tuyển, ông Chiến ăn thật no, còn nhồi thêm cát vào túi quần, túi áo và tha thiết nhờ cô y tá xã “thêm” cho mình vài ki-lô-gam vào giấy khám sức khỏe, nhờ đó ông đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. 

Sau thời gian huấn luyện tại miền Bắc, tháng 3/1969, ông Chiến được điều động tăng cường lực lượng cho chiến trường miền Nam. 1 năm ròng hành quân gian khổ, phải trèo đèo, lội suối, vượt dãy Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, lại ăn uống thiếu thốn, kham khổ, ông Chiến càng thêm gầy gò, ước chừng chỉ nặng 37- 38kg. 

Trận chiến đầu tiên cũng là trận đánh để lại ấn tượng nhất trong ký ức ông Chiến. Ông kể lại: Tháng 3/1970, đơn vị tôi nhận được lệnh đi phục kích tại rừng Ne (Tây Ninh). Đồng chí Dũng chỉ huy bị ốm, cấp trên giao nhiệm vụ cho tôi trực tiếp chỉ huy 2 tổ tiến công cùng với các tổ khác để phục kích, đánh trả đoàn xe tăng địch đang lùng sục tiêu diệt ta tại rừng Ne. Theo kế hoạch, tổ nào tiếp cận xe tăng địch sớm nhất thì sẽ nổ súng để làm hiệu lệnh cho toàn đơn vị xông lên. Tôi cùng đồng chí Bẹ (quê Thanh Hóa) phụ trách 1 mũi tiến công, tôi đeo khẩu súng AK, đồng chí Bẹ vác khẩu B40. Khi đang phục kích, chúng tôi bất ngờ nghe thấy tiếng “rách, rách” liên tục và to dần lên. Thì ra là một chiếc xe tăng địch đang tiến thẳng đến chỗ 2 anh em. Tôi bảo đồng chí Bẹ “bắn đi”, nhưng do còn trẻ tuổi, thấy xe tăng địch tiến đến đồng chí Bẹ run rẩy, đơ người ra... Tôi liền giật lấy khẩu B40 của đồng chí Bẹ và nhằm thẳng chiếc xe tăng đang lao thẳng về phía mình bóp cò. Chiếc xe tăng bốc cháy dữ dội, luồng khói đen ngùn ngụt bốc lên. Lập tức, các loại xe tăng, máy bay của địch kéo đến đáp trả, ta và địch chiến đấu quyết liệt, cả trận địa rung chuyển. Sau khoảng 1 giờ chiến đấu ác liệt, đơn vị tôi nhận lệnh rút về căn cứ. Tôi bị thương, đứt mất 2 ngón chân, máu chảy đầm đìa, đồng chí Bẹ cùng các chiến sĩ băng bó tạm rồi cõng tôi về bệnh viện. Không có thống kê chính xác nhưng ước tính tôi đã trực tiếp tiêu diệt được 6 - 7 tên giặc và được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” ngay trong trận chiến này. 

Sau trận này, ông Chiến và đồng đội tiếp tục trải qua nhiều trận chiến quyết liệt khác trên chiến trường Tây Ninh như trận phục kích tại đường 22, ngã ba Kà Tum, khu vực biên giới giữa Tây Ninh và tỉnh Kampong Cham (Campuchia), trận đánh tại Xa Mát... Trong đó, trận đánh tại Xa Mát để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Ông kể lại: Khi đó, tại khu vực Tây Nam đường 22 tại Xa Mát, sau gần 2 ngày đêm liên tục đánh nhau, địch cơ bản bị ta bao vây, chúng huy động máy bay ném bom vào trận địa nhưng chưa phá được vòng vây, quân ta thương vong nhiều nhưng quyết giữ thế trận. Trung đoàn 42 được lệnh tăng cường lực lượng cho trận đánh. 10 giờ đêm, tôi nhận được lệnh điều động vào vị trí trinh sát do một chiến sĩ khác đã bị thương. Được một chiến sĩ liên lạc dẫn đường, đến 12 giờ đêm, vượt qua mưa bom, bão đạn, tôi đến được hầm chiến đấu an toàn. Vào trận địa, tôi cùng đồng đội chiến đấu liên tục với kẻ thù. Đến 3 giờ chiều ngày hôm sau, tôi bị mảnh bom văng vào vùng cổ và đầu, bị thương khá nặng nên được đưa về hậu phương điều trị. Trong trận này, ta và địch đều thương vong lớn, nhiều đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Tây Ninh. 

Tháng 2/1975, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, ông Chiến phục viên trở về quê hương. Đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, ông mong ngóng, chờ tin đồng đội trở về. Nhưng làng quê nghèo Minh Khai ngày ấy tiễn 4 người con ra đi, nay chỉ đón 2 người trở về, 2 người còn lại đã hóa thân vào dáng hình đất nước. Ông Chiến tự hứa bản thân sẽ càng phải sống, lao động, cống hiến gấp bội phần để “sống” thêm cho cả những đồng đội thân yêu đã hy sinh. 

Với uy tín, trách nhiệm của người đảng viên, ngay sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông được Đảng ủy xã phân công làm Chủ nhiệm HTX Minh Khai, sau đó được tín nhiệm bầu, giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã 14 năm liền (1975 - 1989), có nhiều đóng góp quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khi nghỉ hưu, ông Chiến vẫn luôn quan tâm, giáo dục con cháu điều hay lẽ phải, nỗ lực đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp để xứng đáng với máu xương của bao thế hệ cha anh và đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Phạm Quyết Chiến và các cựu chiến binh xã Minh Khai (Vũ Thư) giao lưu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ địa phương.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày