Thứ 4, 30/04/2025, 12:50[GMT+7]

Người lính dẫn đường đưa đại quân tiến vào Dinh độc lập

Thứ 4, 30/04/2025 | 07:58:31
459 lượt xem
Ngày 30/4/1975, 9 cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn, tạo thế gọng kìm, bao vây và tiêu diệt các cứ điểm quan trọng của chính quyền Sài Gòn. Có một cánh quân mang nhiệm vụ đặc biệt: bắt toàn bộ nội các Sài Gòn và tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh. Lịch sử đã ghi nhận, có một người lính làm nhiệm vụ mở lối, liên lạc và dẫn đường đưa đại quân tiến thẳng vào dinh Độc Lập, đó là Phạm Duy Đô, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 đặc công miền Đông Nam Bộ, quê ở Thái Bình.

Ở tuổi 75, cựu chiến binh Phạm Duy Đô, người lính đặc công năm xưa vẫn nhanh nhẹn, ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Trong khoảng sân của căn nhà nhỏ tại số 06, ngõ 129, tổ 4, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về những khoảnh khắc lịch sử oanh liệt của dân tộc - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà ông vừa là người trong cuộc vừa là một trong những nhân chứng sống. 

Bắt đầu câu chuyện hồi ức năm xưa, ông Phạm Duy Đô kể: Đơn vị đại đội đặc công của chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cầu xa lộ Biên Hòa, một huyết mạch quan trọng để dẫn quân chủ lực tiến vào Sài Gòn. Giọng ông trầm xuống khi nhớ lại buổi tối ngày 29/4/1975. Ông Đô cho biết: Qua trinh sát, chúng tôi biết địch đã gài 7 quả bom dưới gầm cầu xa lộ Biên Hòa, chỉ chờ quân ta tiến vào là chúng cho kích nổ để chặn đường tiến công. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ phải hành động thần tốc. Là lính đặc công, giỏi bơi lội, tôi xung phong nhận nhiệm vụ vượt sông, ôm bộc phá theo để phá hủy trạm điện, ngăn địch kích nổ, bảo vệ cầu và đưa đại quân tiến vào Sài Gòn. Nhiệm vụ hoàn thành, đơn vị của ông Đô tiếp tục chiến đấu bảo vệ cầu, thiết lập liên lạc với Quân đoàn 2 - lực lượng chủ lực sẽ tiến công vào trung tâm Sài Gòn. Đúng 4 giờ sáng ngày 30/4, những chiếc xe tăng đầu tiên ầm ầm vượt qua cầu. Tiếng bánh xích sắt xiết lên trên mặt đường rít lên như giai điệu của bản trường ca chiến thắng, thúc giục cán bộ, chiến sĩ thần tốc xốc tới mặt trận. 

Cựu chiến binh Phạm Duy Đô được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Ông Đô nhớ lại: Lúc đó, chỉ huy cánh quân có hỏi chúng tôi, ai biết đường vào dinh Độc Lập. Đồng chí Võ Tấn Sỹ nhắc ngay tên tôi vì biết tôi từng đi điều nghiên địa bàn chiến lược này. Ngay lập tức, đồng chí chỉ huy yêu cầu tôi và 4 - 5 anh em ở Binh chủng Đặc công lên ngồi trên xe tăng cùng với đồng chí Bùi Quang Thận. Đồng chí Chính trị viên Đại đội Trần Văn Đầu và các anh em còn lại ngồi lên xe tăng phía sau, cùng rầm rập hành quân tiến về phía dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng gầm rú lao qua các tuyến phố Sài Gòn. Ông Đô liên tục nhắc anh em cảnh giác phục kích, vừa dẫn đường, vừa xác định các địa điểm chiến lược. Mắt ngấn lệ, CCB Phạm Duy Đô nghẹn ngào kể: Tôi nhớ rõ lúc đi đến gần cầu Rạch Giếng, tôi nói với đồng chí Bùi Quang Thận rằng ở cầu Rạch Giếng có Trung đoàn 105 của ta trấn giữ, nhưng chiến sĩ của đơn vị hy sinh gần hết và bọn ngụy đang chiếm giữ cây cầu này. Vừa nói dứt, chiếc xe tăng đầu tiên của ta vừa lao lên cầu thì bị trúng đạn, bốc cháy. 5 đồng chí trong xe hy sinh anh dũng. Ngay sau đó, xe tăng thứ hai lao lên, tôi cùng các chiến sĩ đặc công trên xe, khẩu AK trong tay yểm trợ phản kích, bắn các mục tiêu của địch. Đạn nổ, máu đổ nhưng không gì ngăn được bước tiến của chúng tôi. Đường vào dinh Độc Lập mở ra sau những trận đánh chớp nhoáng và tiến nhanh thần tốc. Dinh Độc Lập hiện lên trước mắt. Phạm Duy Đô hô lớn: 

- Dừng lại! 

Chiếc xe tăng số hiệu 390 lập tức vọt lên, húc tung cánh cổng sắt bên phải; xe của đồng chí Bùi Quang Thận vòng sang trái, lao thẳng vào trong sân. Tôi nhảy xuống, tay cầm lá cờ Mặt trận, cùng anh em đặc công lao vào bên trong. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ: phải hành động thật nhanh, chính xác, không để sơ suất. 

Bên trong dinh, những hành lang rộng, im lặng đến lạnh người. Cầm lá cờ, ông Đô chạy xuyên qua các dãy phòng, rồi leo lên tầng cao nhất, phất cờ ra hiệu cho lực lượng phía sau. Ông nhớ lại: Tôi gặp Dương Văn Minh trong một căn phòng lớn, xung quanh là các thành viên nội các. Tôi quát lớn: Các ông đã bị bao vây. Đứng dậy, đầu hàng! Không ai được rời khỏi phòng! 

Không khí căng như dây đàn. Mấy giây trôi qua như kéo dài vô tận, rồi Dương Văn Minh lặng lẽ đứng dậy, buông tay đầu hàng. Khi ấy, ông nhanh chóng lục soát và tước khẩu súng ngắn trong áo Dương Văn Minh, giao lại cho Chính ủy Bùi Quang Thoại rồi giao nhiệm vụ canh giữ cho đồng đội, quay lại dẫn đường cho lực lượng chủ lực vào tiếp quản. 

CCB Phạm Duy Đô nhớ lại, tình hình lúc đó rất khẩn trương. Chính ủy Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp Bùi Văn Tùng có đưa cho tôi bản soạn thảo lời tuyên bố và hỏi xem như thế nào. Tôi nói: Thủ trưởng đã soạn là chuẩn rồi. Mặc dù lúc đó ta làm chủ dinh Độc Lập và bắt được toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, nhưng vẫn có tiếng súng nổ. Tôi và các đồng đội cảnh giác, tiếp tục đi kiểm tra, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ của ta trong dinh. 

Nâng chén trà xanh khói bay, nhìn về xa xăm, lặng đi hồi lâu, CCB Phạm Duy Đô kể tiếp: Khoảnh khắc không thể nào quên đối với tôi đó là lúc Dương Văn Minh và các thành viên nội các ngụy quyền Sài Gòn bị áp giải lên chiếc xe Jeep để đến Đài phát thanh. Giữa sân dinh, tôi chứng kiến các chiến sĩ đồng loạt chĩa súng lên trời, bóp cò trong tiếng nổ vang trời. Một tràng đạn chào mừng chiến thắng như sấm dậy giữa Sài Gòn. Nhiều anh em khi ấy không kìm được nước mắt vì hạnh phúc. 

Sau khi nội các ngụy quyền Sài Gòn bị bắt giữ, đơn vị đặc công của ông Đô tiếp tục rà soát lại dinh. Toàn bộ lính tàn quân được dẫn giải tập trung về phía tay trái mặt dinh Độc Lập. Các phóng viên quốc tế lúc ấy ùa vào, nháy máy ảnh liên hồi. 

Đã 50 năm trôi qua, ký ức về ngày 30/4/1975 vẫn chảy tràn qua ánh mắt ông Đô. Ông chia sẻ: Tôi nhớ mãi hình ảnh lá cờ cách mạng trên nóc dinh Độc Lập. Nó tung bay trong nắng trưa Sài Gòn, lòng tôi bỗng dưng nghẹn lại. Máu đã đổ, xương đã rơi, biết bao đồng đội đã nằm lại. Nhưng giây phút ấy, giây phút của hòa bình, độc lập, đất nước Bắc Nam sum họp đã hiện diện trên thành phố mang tên Bác. Chúng tôi hiểu rằng mọi hy sinh đều vinh quang hết thảy. 

Sau chiến tranh, CCB Phạm Duy Đô trở về quê hương Thái Bình, mang theo những mảnh ký ức thiêng liêng của một thời lửa đạn. Dù đã nửa thế kỷ trôi qua, trong tâm trí người lính già, âm thanh xích xe tăng, tiếng hô xung phong, ánh mắt cam chịu của kẻ bại trận và cả lá cờ tung bay trước dinh Độc Lập vẫn như mới hôm qua. Với ông, chiến thắng ấy không chỉ là sự kiện lịch sử, mà là huyết mạch, là khắc ghi, là niềm tự hào suốt đời của một người lính đặc công - người đã cống hiến tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân viết nên thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam.

Ở tuổi 75 nhưng CCB Phạm Duy Đô vẫn mạnh khỏe, minh mẫn và ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh như mới ngày hôm qua.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày