Thứ 6, 02/05/2025, 17:55[GMT+7]

Những thầy thuốc khoác hai màu áo

Thứ 6, 02/05/2025 | 06:36:31
455 lượt xem
Khoác trên mình màu xanh áo lính và áo blouse trắng, những cựu chiến binh vừa mang bản lĩnh người lính, vừa giàu lòng nhân ái của người thầy thuốc. Vì thế, ở cương vị nào họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không ngại gian khổ, hiểm nguy 

Tham gia quân ngũ từ tháng 8/1985 - 3/1988 tại Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 313, nhiệm vụ của người lính trẻ Đào Đức Tân là chiến đấu, bảo vệ biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang). Nhớ lại những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ với nhiều trận chiến khốc liệt, bác sĩ Đào Đức Tân chia sẻ: Chiến trường ác liệt, địch nhiều lần bắn phá, tấn công từ vị trí cao với vũ khí hiện đại. Để bảo đảm an toàn, bộ đội chúng tôi thường xuyên phải sinh hoạt trong hầm ngầm, địa đạo, có khi 6 tháng không nhìn thấy mặt trời, chỉ ban đêm mới dám ra ngoài, không dám bật đèn, thiếu nước phải tắm khô nên thường mắc các bệnh viêm da. Vào mùa mưa, có nước song lại phải đối mặt với tình huống sập hầm có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng, khó khăn ấy cũng không thể so sánh với những trận chiến sinh tử. Từng tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó tôi nhớ nhất là trận ở Ngàn Mốt. Quân địch tấn công vào địa đạo của ta ngay ban ngày. Theo ước tính, trước khi tấn công, địch đã bắn hàng chục nghìn quả đại bác từ 5 giờ sáng đến quá trưa. Dù lực lượng mỏng hơn, tuy nhiên, với sự anh dũng, quả cảm, quân ta đã chiến đấu hết mình và giành chiến thắng. 

Trận Ngàn Mốt chỉ là một trong rất nhiều trận chiến người lính trẻ Đào Đức Tân đã tham gia. Thường xuyên đối mặt với sự sống và cái chết song với tinh thần: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc đã tôi luyện thêm bản lĩnh cho người chiến sĩ trẻ để đến hôm nay, mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm trong quân ngũ, bác sĩ Đào Đức Tân lại thấy tự hào vì đã được đóng góp một phần sức mình vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. 

Bác sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.

Nhập ngũ năm 1993 khi đất nước đã hòa bình, dù không trực tiếp chiến đấu song thời gian trong quân đội đối với người lính trẻ Phạm Hồng Long là những ngày chứa đựng nhiều kỷ niệm. Đóng quân tại Sư đoàn 371 sân bay kép, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang), sau khi tham gia huấn luyện, chiến sĩ trẻ Phạm Hồng Long được phân công làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ phục vụ bay thuộc Tiểu đoàn hậu cần, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371. Kể lại những năm tháng trong quân ngũ, bác sĩ Phạm Hồng Long cho biết: Thời bình không tham gia chiến đấu nhưng công việc của chúng tôi cũng rất vất vả vì điều kiện làm việc lúc ấy còn thiếu thốn, thuốc không đủ, trang thiết bị cấp cứu sơ sài chỉ có ống nghe, dụng cụ đo huyết áp, băng bó vết thương. Đơn vị cách bệnh viện quân y khoảng 20km, đường đồi núi khó đi. Do đó, có lúc chúng tôi không chỉ thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu đơn thuần của một y tá mà còn phải tự học hỏi, trau dồi để có thể phát hiện, chẩn đoán bệnh, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình chuyển tuyến cho bệnh nhân nặng. Thời gian trong quân ngũ, tôi đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn. 3 năm trong quân ngũ không dài nhưng đó là quãng thời gian đã giúp tôi trưởng thành hơn. 

Bác sĩ Đào Đức Tân, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình được vinh danh Thầy thuốc ưu tú năm 2025.

Tận tâm, trách nhiệm vì người bệnh 

Những năm tháng trong quân ngũ đã tôi luyện bản lĩnh, tinh thần ý chí và khát vọng vươn lên của người lính trẻ. Phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau khi về địa phương, anh Đào Đức Tân và Phạm Hồng Long đã quyết định theo học ngành y, chữa bệnh cứu người. Hiện bác sĩ Đào Đức Tân đang là Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình và bác sĩ Phạm Hồng Long là Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cả 2 đều là cựu chiến binh và được đánh giá là bác sĩ giỏi, chuyên môn tốt, luôn tận tâm, tận tình với người bệnh. 

Bác sĩ Đào Đức Tân, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình chia sẻ: Năm 1996, tôi công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình, đến nay đã 29 năm với nhiều vị trí công tác. Cùng với việc tích cực điều trị cho người bệnh, tôi đã tham mưu cho Bệnh viện các lĩnh vực về công tác chuyên môn, tham gia chỉ đạo tuyến, đào tạo, giảng dạy chuyển giao kiến thức phục hồi chức năng cho y tế cơ sở, cộng tác viên, tình nguyện viên về kỹ thuật can thiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng. Đến nay, đã có hơn 180 xã, phường, thị trấn triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, giúp cho nhiều người khuyết tật được phục hồi, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, tôi còn phụ trách xưởng làm dụng cụ như nẹp, chân giả, nẹp cẳng chân, nẹp gối, giúp cho người khuyết tật tiếp cận nhiều trang thiết bị phục hồi chức năng; tham mưu xây dựng bệnh viện trở thành bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, cải cách thủ tục hành chính... 

Với những đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2025 bác sĩ Tân vinh dự được đón nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, được đồng nghiệp quý mến, người bệnh tin tưởng. Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh Phạm Thị Phương, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình cho biết: 13 năm công tác tại Bệnh viện, tôi luôn được bác sĩ Tân hướng dẫn, chỉ bảo rất nhiều. Không chỉ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bác sĩ Tân còn luôn quan tâm tới cán bộ, nhân viên, là tấm gương để chúng tôi học tập, noi theo. 

Rời quân ngũ về địa phương, từ năm 2005 đến nay, bác sĩ Phạm Hồng Long công tác tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Công việc của bác sĩ là điều trị các bệnh chuyên khoa sâu về thần kinh, đột quỵ, thoái hóa thần kinh, sa sút trí tuệ, các bệnh lý thần kinh ngoại biên... Là “thủ lĩnh” của Khoa, bác sĩ Long vừa làm công tác quản lý vừa điều trị bệnh nhân nặng, trong đó có những bệnh nhân bị rối loạn ý thức, tổn thương não cấp tính, đòi hỏi cần xử trí, cấp cứu nhanh bởi nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bác sĩ Phạm Hồng Long chia sẻ: Khoa có 42 cán bộ, nhân viên, trong khi đó số lượng bệnh nhân điều trị ở Khoa đông, 115 giường bệnh luôn ở trong tình trạng kín giường. Bệnh nhân đa dạng, nhiều bệnh nhân nặng đã được cấp cứu, điều trị kịp thời, thoát khỏi cơn nguy kịch. 

Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Long còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó có đề tài đã đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Thời gian tới, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, ngoài nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong Khoa sẽ triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu chuyên ngành đau thần kinh... 

Dù đối mặt với áp lực và những ca bệnh phức tạp, nhưng họ vẫn luôn tận tâm, trách nhiệm với người bệnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ đã viết nên những câu chuyện đẹp về y đức, về người thầy thuốc mang hai màu áo.

Như Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày