Thứ 4, 30/04/2025, 01:58[GMT+7]

Kinh tế Thái Thụy: Tạo đà bứt phá

Thứ 3, 29/04/2025 | 15:47:33
1,178 lượt xem
Năm 2025, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI, bức tranh kinh tế - xã hội của Thái Thụy tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng. Kinh tế tăng trưởng vượt bậc trong quý I, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng, tạo đà bứt phá trong những năm tới.

Quý I/2025, tổng giá trị sản xuất huyện Thái Thụy ước đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 10,65% so với cùng kỳ năm 2024.

Tăng trưởng ấn tượng, công nghiệp dẫn đầu 

Trong bức tranh phát triển kinh tế tổng thể của Thái Bình quý I/2025, huyện Thái Thụy tiếp tục khẳng định vị thế với mức tăng trưởng hai con số, đây là nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển bứt phá trong năm 2025. Theo báo cáo của UBND huyện, quý I/2025 tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 10,65% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp ước đạt hơn 1.180 tỷ đồng, tăng 0,45%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản ước đạt hơn 5.770 tỷ đồng, tăng 13,58%; thương mại, dịch vụ ước đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công tác quản lý tài chính, ngân sách được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả ngay từ đầu năm.Tổng thungân sách nhà nướcước đạt hơn 580 tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán tỉnh giao. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt hơn 536 tỷ đồng, bằng 29,6% dự toán tỉnh giao. Đây là bước đà thuận lợi, huyện Thái Thụy tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, mục tiêu chuyển mình “vươn ra biển lớn”. 

Ông Đỗ Phúc Hậu, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện cho biết: Trong những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện bình quân ước tăng 22,85%/năm. Huyện đã quy hoạch 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.622,5ha và 7 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 381,2ha. Đặc biệt, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút hơn 30 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1,5 tỷ USD. Đầu tháng 3/2025, dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình khởi công với quy mô 333,4ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.932 tỷ đồng. Dự án này không chỉ tạo ra hơn 30.000 việc làm cho người dân địa phương mà còn góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Tận dụng tiềm năng và lợi thế, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh thành lập 3 CCN mới. Cụ thể, CCN Thái Đô được quy hoạch trên diện tích 53,1ha tại xã Thái Đô, tổng vốn đầu tư hạ tầng gần 580 tỷ đồng; CCN Thái Giang có quy mô 75ha tại xã Thái Giang, tổng vốn đầu tư khoảng 846 tỷ đồng; CCN Thụy Ninh được quy hoạch 75ha tại xã Thụy Ninh, tổng vốn đầu tư hạ tầng dự kiến 870 tỷ đồng. Những dự án này được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư, tạo việc làm cho lao động địa phương và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. 

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Ninh cho biết: Khi được UBND tỉnh phê duyệt dự án CCN Thụy Ninh, chính quyền và nhân dân địa phương rất vui mừng, phấn khởi. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Chính quyền xã cam kết phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành bảo đảm triển khai dự án đúng tiến độ, hiệu quả và theo hướng phát triển bền vững. Việc hình thành CCN sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại diện mạo mới cho xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Giải phóng mặt bằng tạo đà bứt phá 

Xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu đột phá, mở đường cho các dự án trọng điểm triển khai đúng tiến độ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội. Khi điểm nghẽn mặt bằng được tháo gỡ, dòng vốn đầu tư được khơi thông, hạ tầng được hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì vậy, huyện Thái Thụy tập trung cao độ cho công tác GPMB. Đáng chú ý, thời gian qua, huyện đã hoàn thành GPMB hơn 1.145ha và di dời khoảng 4.000 ngôi mộ để triển khai các dự án quan trọng như khu công nghiệp Liên Hà Thái, quốc lộ 37 mới, đường quy hoạch số 2, số 5 và tuyến đường bộ ven biển. 

Đối với dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình, công tác GPMB đã đạt khoảng 90%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi công và thu hút đầu tư. Trong quý I/2025, huyện đã phê duyệt 42 phương án GPMB, thu hồi hơn 238ha, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ lên tới hơn 573 tỷ đồng. Hiện, các dự án như tuyến đường cao tốc CT.08, Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình và Nhà máy Amoniac đang được đẩy nhanh thực hiện GPMB để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án, từ đó đồng thuận bàn giao mặt bằng. Ông Đinh Bá Lượng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Dự án cao tốc CT.08 qua xã Sơn Hà có diện tích GPMB hơn 43ha. Để thực hiện công tác GPMB, xã đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai các bước xác định nguồn gốc đất và nhân khẩu, đồng thời bố trí khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, xã đã hoàn thành quy hoạch 1,1ha đất ở tại thôn Kim Thành và 1,5ha đất mở rộng khu nghĩa trang tại thôn Nam Hưng Tây. Với phương châm “gần dân, sát dân”, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động và giải quyết vướng mắc kịp thời, tạo đồng thuận cao trong nhân dân, bảo đảm GPMB đúng tiến độ đề ra. 

Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, nhân dân xã Thái Đô đồng thuận cao, sẵn sàng đón nhận và ủng hộ dự án. Ông Tạ Ngọc Khôi, Chủ tịch UBND xã Thái Đô cho biết: Thực hiện GPMB dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, hoàn tất việc rà soát toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của 287 hộ dân, đồng thời gửi thông báo thu hồi đất đến từng hộ. Hiện, hơn 95% người dân tự nguyện bàn giao GPMB trước thời hạn cho dự án. Sự đồng thuận cao từ nhân dân là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để dự án khởi công đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hy vọng, Thái Đô sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong tương lai. 

Theo ông Mai Tiến Trình, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện:Trung tâm đã hoàn thành GPMB hơn 600ha tại khu công nghiệp Liên Hà Thái. Hiện, Trung tâm đang tập trung GPMB dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình, đối với diện tích đất chuyển đổi và đất ở dự kiến sẽ hoàn thành GPMB trong năm 2025. Đối với tuyến đường số 1, số 2 đang thực hiện GPMB 0,36km của 9 hộ dân. Song song đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án CT.08, Trung tâm phối hợp với Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin thực hiện rà soát, áp giá bồi thường, hỗ trợ và kiểm đếm tài sản trên đất thực hiện dự án Nhà máy sản xuất Amoniac với quy mô 19,6ha và tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng. Với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành”, Trung tâm phấn đấu hoàn thành GPMB đúng kế hoạch đề ra. 

Tiếp đà tăng trưởng 

Nỗ lực phấn đấu tăng trưởng hai con số, hướng mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Song song với thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, huyện Thái Thụy chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nhiệm vụ tăng trưởng hai con số. Theo lãnh đạo UBND huyện Thái Thụy, tiếp đà tăng trưởng kinh tế, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào các khu, CCN; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác GPMB; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm tạo môi trường ổn định cho phát triển. Trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, huyện tiếp tục quán triệt để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tuyệt đối tin tưởng, yên tâm công tác, bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục, không ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy nêu cao ý thức trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì sự nghiệp phát triển chung của quê hương, đất nước. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao công tác cải cách hành chính, kịp thời giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp, không để hồ sơ trễ hẹn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất đai, kịp thời xử lý các vụ việc về vi phạm đất đai theo quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Cụm công nghiệp Thụy Sơn điểm sáng thu hút đầu tư FDI trên địa bàn huyện Thái Thụy.

Nguyễn Thắm