Thứ 5, 15/05/2025, 09:28[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn

Thứ 2, 14/04/2014 | 08:38:17
2,688 lượt xem
Những năm qua, nhiều nông dân ở xã Bách Thuận (Vũ Thư) đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó có gia đình anh Nguyễn Như Thỏa (xóm 4, thôn Trung Hòa). Trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình anh Thỏa là tấm gương điển hình vươn lên vượt khó làm giàu.

Nông dân xã Bách Thuận (Vũ Thư) ghép và chăm sóc cây hòe. Ảnh: Ngọc Trâm

Trước đây, gia đình anh Thỏa chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn do phải nuôi con học đại học. Được biết anh Thỏa bắt đầu chăn nuôi từ năm 2001 với số lượng ít. Thấy chăn nuôi quy mô nhỏ không hiệu quả, anh đã bàn với gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Qua hơn chục năm chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, ước mơ thoát nghèo vươn lên làm giàu của anh Thỏa đã trở thành hiện thực. Mô hình chăn nuôi gia trại của gia đình anh có tổng diện tích 450m2 chia thành khu lợn sinh sản, khu lợn cai sữa, khu nuôi lợn thịt.

Trong khi không ít hộ dân bỏ chuồng vì sợ dịch bệnh, giá bán bấp bênh, giá thức ăn tăng cao thì anh Thỏa vẫn kiên trì chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình. Những năm trước, anh và các hộ nông dân khác vẫn nuôi lợn theo phương thức truyền thống nên không có hiệu quả, lợn thường bị bệnh, chi phí thức ăn cao. Rút kinh nghiệm qua nhiều năm chăn nuôi và tìm tòi học hỏi kỹ thuật qua những lần đi tham quan mô hình, anh quyết định đầu tư xây dựng gia trại.

Năm 2008, anh xây 35 ô chuồng, duy trì nuôi khoảng 450 con lợn, riêng lợn sinh sản dao động từ 30 – 35 con. Vẫn biết chăn nuôi có lúc thăng lúc trầm, qua nhiều lần thất bại nhưng anh Thỏa vẫn quyết tâm theo đuổi nghề chăn nuôi, anh cũng đã vay thêm vốn ngân hàng đầu tư con giống, sửa chữa chuồng trại với mục đích đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thỏa cho biết, chăn nuôi lợn cần được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật khắt khe để đạt chất lượng tốt nhất và lợn đến kỳ xuất chuồng phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chăn nuôi lợn quy mô lớn, chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát. Mỗi con lợn từ khi bắt đầu nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh. Trung bình mỗi tháng anh lại khử trùng một lần toàn bộ khu chuồng trại để bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được vệ sinh, sạch mầm bệnh. Nguồn thức ăn phải bảo đảm chất dinh dưỡng để lợn chóng lớn và sinh sản tốt. Những con lợn sinh sản thì không nên để quá 7 – 8 lứa như vậy khi sinh con giống không bảo đảm về chất lượng.

Với lòng quyết tâm, dám nghĩ dám làm, gia đình anh Thỏa đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Trong năm 2013, gia trại đã mang lại cho gia đình 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi 350 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho chính mình, anh luôn cởi mở, giúp đỡ nhiều gia đình ở địa phương, những nông dân có hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chăn nuôi để mọi người có phương pháp tốt nhất phát triển kinh tế cho gia đình mình.

Nguyễn Huyền
(Sinh viên thực tập)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày