Ký ức mùa xuân đại thắng
Ông Vũ Ngọc Sùng (người thứ hai từ trái sang) cùng các cựu chiến sĩ đặc công biệt động trong buổi gặp mặt truyền thống.
Trong căn phòng khách ấm cúng tại tổ 20, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, ông Vũ Ngọc Sùng (72 tuổi) xúc động nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ không thể nào quên. Ông Sùng cho biết, cha ông – liệt sĩ Vũ Văn Rao, quê xã Đông Xuân (nay là xã Xuân Quang Động, huyện Đông Hưng), hy sinh trong trận càn của thực dân Pháp tại thôn Kiều Thần, xã Song An (Vũ Thư) năm 1953, khi ông còn trong bụng mẹ. Tháng 8/1971, vừa tốt nghiệp Trường cấp 3 Nam Đông Quan và còn chưa tròn 18 tuổi, như bao thanh niên của một thời “tuổi 20 bùng lên như viên đạn”, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn 2, Bộ Tư lệnh Đặc công, ông được tuyển chọn vào Trường Đào tạo cán bộ, Bộ Tư lệnh Đặc công (nay là Trường Sĩ quan Đặc công). Sau 2 năm học tập và rèn luyện, cuối năm 1973, ông lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Năm 1973 - 1974, tình hình chiến sự tại miền Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đế quốc Mỹ buộc phải rút quân khỏi miền Nam. Tuy nhiên, không từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ và hậu thuẫn chính quyền Sài Gòn phá bỏ Hiệp định Paris, ráo riết tiến hành chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, đưa quân lấn chiếm các vùng giải phóng. Trong bối cảnh đó, tháng 3/1973, Bộ Tư lệnh miền quyết định thành lập Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động Sài Gòn – lực lượng chủ lực tham gia chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lữ đoàn gồm 14 tiểu đoàn đặc công và 12 đội đặc công. Thời điểm này, ông Vũ Ngọc Sùng được điều động về Tiểu đoàn 80, Lữ đoàn 316 đảm nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng trinh sát. Năm 1974 và đầu năm 1975, ông cùng đồng đội đóng quân tại vùng “đất thép” Củ Chi, tích cực phối hợp với quân và dân địa phương tham gia các trận tập kích tiêu diệt địch, góp phần ngăn chặn hiệu quả các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.
Ông Vũ Ngọc Sùng hồi tưởng, thời điểm đó, địch chiếm giữ các đồn bốt, vị trí chiến lược quan trọng. Đơn vị ông – lực lượng đặc công tinh nhuệ – hoạt động chủ yếu về đêm, ban ngày rút vào căn cứ bí mật. Với sự hỗ trợ của quân và dân địa phương, tổ chức các trận đánh vang dội “nở hoa trong lòng địch”. Riêng trung đội trinh sát do ông trực tiếp chỉ huy đảm nhận nhiệm vụ “lính điều nghiên” – trinh sát mục tiêu, nắm địa hình, quy luật hoạt động của địch, từ đó phối hợp các đơn vị tổ chức phương án đánh tập kích, vừa bảo đảm hiệu quả, vừa hạn chế tối đa tổn thất. Trận đánh ông nhớ nhất là trận tập kích vào chi khu cảnh sát Củ Chi – nơi địch lưu giữ hồ sơ của cán bộ cách mạng trong vùng, gây ra nhiều cuộc lùng sục, bắt bớ cán bộ từ Sài Gòn ra vùng giải phóng rất gắt gao. Nhận lệnh tiêu diệt chi khu, tiêu hủy hồ sơ, trung đội của ông phối hợp với đại đội đặc công biệt động tổ chức trinh sát, nghiên cứu kỹ lưỡng mục tiêu. Chi khu nằm ở giữa, được bao quanh bởi lực lượng cảnh sát dã chiến. Đêm 17 rạng sáng ngày 18/12/1974, sau quá trình chuẩn bị công phu, trung đội trinh sát của ông phối hợp với đại đội 1, Tiểu đoàn 80 chia làm hai mũi, bất ngờ tập kích chi khu cảnh sát. Chỉ trong chưa đầy nửa giờ đồng hồ, toàn bộ lực lượng địch bị tiêu diệt, toàn bộ hồ sơ bị thiêu hủy. Trận đánh giành thắng lợi vang dội, để lại dấu ấn sâu sắc, mặc dù hai chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Đến đầu năm 1975, tình hình chiến sự tại miền Nam và Sài Gòn chuyển biến mạnh mẽ, tạo điều kiện chín muồi cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đầu tháng 4/1975, các tiểu đoàn của Lữ đoàn 316 được lệnh tiếp cận Sài Gòn, sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu, mở đường cho các cánh quân tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Đơn vị của ông Vũ Ngọc Sùng được giao nhiệm vụ về An Phú Đông, chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 7km đường bộ, thực hiện trinh sát, phối hợp đánh mở đường. Ông Sùng chia sẻ, trung đội trinh sát do ông chỉ huy chia nhỏ, nằm rải rác dọc bờ kênh Sài Gòn. Ban ngày, các chiến sĩ ngụy trang giữa sông bằng cỏ cây, lục bình, dừa nước để tránh sự lùng sục của máy bay, tàu chiến địch. Ban đêm, họ vượt sông, móc nối với cơ sở cách mạng vùng Gò Vấp, đồng thời bí mật trinh sát nội thành, nắm chắc tình hình chuẩn bị cho ngày tổng tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ký ức về những ngày dầm mình bên sông Sài Gòn, nằm giữa vòng vây, sát nách quân thù đã được ông Sùng ghi lại qua những vần thơ xúc động, hào sảng:
“Nhớ những ngày bên dòng sông An Phú/ Nằm giữa vòng vây sát nách quân thù/ Cùng rái cá đằm mình trong bùn nước/ Đêm tìm đường trinh sát bám mục tiêu. / Trời tháng tư mưa nắng sớm chiều/ Hàng dừa nước vẫn đu mình trong gió / Trên không trung máy bay thù nhòm ngó / Anh em dìm mình trong bùn nước mênh mông / Tàu chiến giặc quần đảo giữa dòng sông / Không tìm thấy bóng hình người trinh sát...”.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất với phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Ông Vũ Ngọc Sùng nhớ lại, ngày 26/4/1975, các đơn vị đồng loạt nổ súng, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, dự cảm ngày chiến thắng cũng đến gần khi tin tức chiến thắng từ khắp chiến trường miền Nam liên tiếp bay về. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên các hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt. Ngay từ đêm 28/4, đơn vị của ông được lệnh nổ súng đánh vào mục tiêu thành pháo binh 61 và Bộ tư lệnh tăng thiết giáp 60 của địch ở Gò Vấp. Trận đánh ác liệt, giằng co kéo dài đến sáng 30/4. Trước sức tấn công mãnh liệt của quân ta, địch hoảng loạn tháo chạy, bỏ lại xe tăng, súng ống, quân phục. Trung đội của ông chiếm được một xe tăng M41 và nhanh chóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Ông Sùng xúc động chia sẻ, được tận mắt chứng kiến cảnh quân địch tháo chạy, nhân dân Sài Gòn đổ ra đường reo hò, chào đón đoàn quân giải phóng, ông càng thấm thía sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của cuộc kháng chiến trường kỳ mà vĩ đại dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Giữa niềm hân hoan chiến thắng, ông không quên những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ phút lịch sử, những người không kịp nhìn thấy ngày đất nước trọn niềm vui thống nhất.
Sau ngày giải phóng Sài Gòn, ông Vũ Ngọc Sùng được điều về Trung tâm Huấn luyện tại Hóc Môn. Tại đây, ông tiếp tục học tập và thi đỗ vào Trường Đại học Tài chính – Kế toán Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học năm 1980, ông ra Hà Nội công tác, đến năm 1984 trở về quê hương Thái Bình, công tác tại Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và một số sở, ngành trong tỉnh cho đến khi nghỉ hưu. Trở về đời thường sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, người lính từng vào sinh ra tử ấy luôn giữ trong mình tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống tha thiết. Giờ đây, qua tuổi thất thập, ông sống điền viên bên gia đình, vui với việc đưa đón cháu đi học mỗi ngày và tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ của thành phố. Những vần thơ ông sáng tác đều mang âm hưởng thiết tha với quê hương, đất nước và chứa chan ký ức về một thời trận mạc hào hùng, thấm đẫm tình đồng đội.
Ông Vũ Ngọc Sùng (người bên phải) và đồng đội trước ngày vào giảng đường đại học năm 1976 - ảnh nhân vật cung cấp.
Trần Hương
Tin cùng chuyên mục
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 6: Thái Bình xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức 30.01.2025 | 11:19 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 5: Đảng bộ Thái Bình - những chặng đường vinh quang 30.01.2025 | 10:54 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 3: Thành tựu đổi mới đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới 27.01.2025 | 19:59 PM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 2: Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 26.01.2025 | 09:45 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc 25.01.2025 | 17:24 PM
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
Xem tin theo ngày
-
Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Kiến Xương
- Ra quân tuần tra kiểm soát vũ trang, phòng chống tội phạm
- Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh: Ban hành 2 Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
- Quyết liệt xử lý các tồn tại để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chậm tiến độ
- Thống nhất chủ trương tiếp nhận Dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J tại khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải