Thứ 6, 16/05/2025, 17:01[GMT+7]

Nhớ về đại thắng mùa Xuân năm 1975

Thứ 3, 03/05/2016 | 18:09:45
2,756 lượt xem
Chiến dịch Hồ Chí Minh hay còn gọi là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, là chiến dịch cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là chiến dịch quân sự có thời gian diễn biến ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam, diễn ra từ ngày 26/4/1975 đến ngày 30/4/1975 (tại Sài Gòn) kết thúc là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nong sông thu về một mối.

Những câu truyện vui gắn liền với các kỷ vật chiến đấu là niềm động viên đối với mỗi cựu chiến binh.

 

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” - đó là lời hiệu triệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kêu gọi các chiến sĩ phải hết mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là khi chiến thắng đang nắm chắc trong lòng bàn tay, cơ hội không thể để tuột mất. Một trong số những mũi tiến công của quân ta là tấn công theo hướng căn cứ Đồng Dù (khi ấy được coi là “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn), đó cũng là nơi đóng quân của Sư đoàn 25, một trong những sư đoàn chủ lực mạnh nhất của Ngụy quân Sài Gòn và được biết đến với biệt danh “tia chớp nhiệt đới”. Ngoài ra, địch còn bố trí Trung đoàn 50, Tiểu đoàn 2 bộ binh, 1 Tiểu đoàn pháo hỗn hợp, 1 Chi đoàn tăng - thiết giáp và hậu cứ Trung đoàn 10 thiết giáp, các tiểu đoàn công binh, thông tin yểm trợ… Tổng số quân địch lên đến hơn 3.000 tên, trang bị 34 xe tăng bọc thép, gần 5.000 khẩu súng các loại, 18 khẩu pháo lớn, đặc biệt trong đó có 4 khẩu 175mm được mệnh danh “Vua chiến trường”. Một lối đi duy nhất để tiến vào Sài Gòn được chúng bố trí hỏa lực mạnh ở hai bên, tầng tầng lớp lớp những hàng rào dây thép gai và mìn được chôn dưới đất. Một căn cứ gần như bất khả xâm phạm.

 

Tham gia trận đánh giải phóng Đồng Dù, ông Phạm Anh Thế, cựu chiến binh xã Tân Phong (Vũ Thư) nhớ lại: Năm 1975, tôi nhận nhiệm vụ là Đài trưởng thông tin liên lạc trực thuộc Bộ Tham mưu của Quân đoàn 3, khi ấy chúng tôi có nhiệm vụ giải phóng căn cứ Đồng Dù, tạo đường tiến công cho quân đoàn bạn tiến đánh giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Khi đó, nhiệm vụ giải phóng Đồng Dù được giao cho Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Đêm 28/4/1975 nhận được lệnh tiến vào trận địa, 5 giờ 30 phút sáng 29/4/1975, lệnh nổ súng, pháo binh của Binh đoàn và Sư đoàn dồn dập trút bão lửa xuống căn cứ địch trong hơn một giờ đồng hồ. Trong tiếng gầm dữ dội của đại bác, xe tăng và pháo phòng không cơ động vào tuyến xung phong, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và bộc phá liên tục để mở các lớp hàng rào. Sau 30 phút pháo bắn, địch phát hiện được hướng tấn công của ta, chúng điều động xe tăng, bộ binh, máy bay A37 và trực thăng liên tục nhả đạn vào hướng tiến công của quân giải phóng. Suốt 2 tiếng đồng hồ giao tranh ác liệt, đến 7 giờ 30 phút sáng trái bộc phá cũng được chôn dưới lớp hàng rào dây thép cuối cùng, dù đã mất hàng rào dây thép bảo vệ nhưng hơn 30 phút sau lính giặc mới chịu buông súng đầu hàng. Trong hơn 2 tiếng giao tranh ấy không nhớ nổi có bao nhiêu chiến sĩ đã hi sinh, chỉ nhớ là quyết tâm mở đường của cấp trên rất cao, các chiến sĩ ôm bộc phá cứ tiếp nối nhau, người này ngã thì đã có người khác xông lên ôm bom. Giải phóng được Đồng Dù, là mở đường tiến công cho lực lượng của ta tấn công Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một mũi tiến công khác của quân đội ta, mũi tấn công giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhớ lại không khí những ngày tháng cùng đồng đội tiến quân giải phóng thị xã Bà Rịa, cựu chiến binh Đồng Xuân Mạn ở thôn Ô Mễ 2, xã Tân Phong chia sẻ: "Khi ấy tôi mới tham gia chiến đấu, trên đường hành quân tiến vào giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu thì không khí lúc ấy vui tươi lắm, anh em chiến sĩ đi đánh trận mà cứ như đi hội, các chiến sĩ của ta thì hừng hực khí thế, quân Ngụy tại những vùng giải phóng thì quần đùi, áo lót giơ tay xin hàng. Nhân dân những vùng được giải phóng quý mến bộ đội vô cùng, có hộ gia đình chúng tôi nghỉ chân nhờ nấu cơm nhưng gia đình họ cũng mổ lợn - tài sản giá trị duy nhất của gia đình họ để khao các anh em trong đơn vị, quân với dân khi đó thương nhau lắm". Đơn vị của cựu chiến binh Đồng Xuân Mạn đóng quân khi ấy là Sư đoàn 3 Sao Vàng, là sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân khu V, ra đời ngày 2/9/1965 trên mảnh đất truyền thống Tây Sơn (Bình Định). Nhiệm vụ của Sư đoàn 3 Sao Vàng lúc đó là hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, tiêu diệt địch và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), Vũng Tàu góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo chiến lược đề ra, giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn I: Giải phóng thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy, chiếm cầu Cỏ May. Giai đoạn II: giải phóng Vũng Tàu. Bà Rịa - Vũng Tàu khi ấy được xem là hướng ngoại vi, quan trọng trong  cuộc tiến công vào đầu não Sài Gòn. Ngày 23/4/1975, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Tỉnh đội Bà Rịa họp ở Cẩm Mỹ triển khai nhiệm vụ giải  phóng tỉnh cho các địa phương, quán triệt phương châm của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền là: “Tỉnh giải phóng tỉnh lỵ, huyện giải phóng huyện lỵ, chi khu, xã giải phóng xã, ấp giải phóng ấp”. Cùng ngày 23/4/1975, Thị ủy Vũng Tàu họp bàn với Sư đoàn 3 Sao Vàng về giải phóng Vũng Tàu. Theo kế hoạch, ở Bà Rịa ngày 26/4, Sư đoàn 3 Sao Vàng sẽ phối hợp Đại đội 34 Châu Đức tiến công Chi khu Đức Thạnh. Tiểu đoàn 445 tiến công Chi khu Long Điền, Đại đội 25 và 26 (Long Đất) tiến công Chi khu Đất Đỏ. Đại đội 41 Châu Đức tiến công Chi khu Long Lễ, đến chiều ngày 27/4/1975, thị xã Bà Rịa được hoàn  toàn giải phóng. Cùng ngày 27/4, Đoàn 10 Rừng Sác và Z22 thuộc Lữ đặc công 316 nhanh chóng giải phóng xã Long Sơn. Đêm 27/4, Đại đội 25 và 26 Long Đất làm chủ khu Đất Đỏ. Ở huyện Xuyên Mộc, du kích và nhân dân bao vây chi khu, quân ngụy bỏ chạy tán loạn, huyện Xuyên Mộc được giải phóng hoàn toàn. Ngày 28/4 ở huyện Long Đất, Tiểu đoàn 445, Đại đội 25, 26 đánh tan hai tiểu đoàn bảo an, hỗ trợ du kích và nhân dân các xã Long Mỹ, Phước Lợi, Phước Hòa Long, Phước Thọ, Phước Thành chiếm các trụ sở xã, giải phóng xã ấp. 10 giờ ngày 28/4, huyện Long Đất được giải phóng, trưa 28/4, Sư đoàn 3 chia làm hai hướng đường bộ và đường biển tiến xuống Vũng Tàu. Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) đảm nhận hướng chính của trận đánh, tiến theo quốc lộ 51 vào Vũng Tàu, nhưng đến cầu Cỏ May thì bị chặn lại. Trung đoàn đã nhiều lần tổ chức tiến công vượt qua khu vực này nhưng bị thương vong cao buộc Bộ Chỉ huy Sư đoàn phải chuyển giao hướng tiến công chủ yếu cho Trung đoàn 12 đang tiến vào theo đường biển. Sau khi đánh chiếm Phước Tỉnh, Long Hải, các cán bộ, nhân dân địa phương cho mượn tàu thuyền, Trung đoàn 12 đã vượt sông Cửa Lấp đánh vào trại Nhái, giải phóng Bãi Sau và khu Chí Linh. Ngày 29/4, Trung đoàn 12 chia làm hai cánh đánh vào thị xã Vũng Tàu. Một cánh đánh thọc vào khu trung tâm, tiêu diệt bọn đầu sỏ còn kháng cự. Một cánh vòng lên phía Bắc đánh vào sau lưng lực lượng quân ngụy còn chốt lại tại cầu Rạch Bà và Cỏ May, mở đường cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, tiếp tục tiến vào Thành phố. Trước sự tiến quân thần tốc, những cuộc tấn công vũ bão tiêu diệt hầu hết các cơ quan đầu não của địch, sáng ngày 30/4/1975, những tên ngụy ngoan cố cuối cùng trụ lại ở khách sạn Palace bị tiêu diệt, cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa thị chính, thành phố Vũng Tàu đã được giải phóng. Đúng 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh độc lập được gỡ xuống, thay vào đó là lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay phấp phới. Ông Mạn xúc động kể lại không khí khi nghe tin quân đội ta giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước:"Khi chúng tôi nghe đài phát thanh tuyên bố miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui vỡ òa, nhiều anh nhảy thót lên, sung sướng, có những anh trên tay cầm AK cứ thế giương lên trời và bóp cò, nhân dân khi đó vui sướng tột độ". Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là đại thắng của quân dân ta trước một thế lực to lớn, là dấu son chói lọi, thể hiện sự sắc sảo, nhạy bén, tư duy chiến thuật đại tài của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh Đồng Xuân Mạn, Phạm Anh Thế tiếp tục cống hiến sức mình cho quân đội, họ sống đúng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, kiên cường, bất khuất; sống không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đối đầu với gian nan, thử thách.

 

Tiến Đạt

 

 

 

Ông Đào Ngọc Cơ, khu Thị An, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà), 63 tuổi, 38 năm tuổi Đảng

 

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của quân và dân ta, tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tôi rất tự hào là người trực tiếp tham gia Chiến dịch, cùng với đơn vị đánh vào Bộ Tổng tham mưu của quân Ngụy; chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và được hưởng trọn vẹn giây phút thiêng liêng non sông đất nước thu về một mối. Đã 41 năm đi qua, song cảm xúc của ngày 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim tôi. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ một lần nữa cho thấy sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Với đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, Đảng đã huy động được cao nhất sức mạnh của cả nước cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược lâu dài, cam go, ác liệt. Là một đảng viên, đồng thời là một cựu quân nhân, tôi luôn tự hào và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Thành quả của công cuộc đổi mới tiếp tục cho thấy đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vì vậy tôi tin tưởng trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Trung tá Bùi Xuân Thắng, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 (Quân khu 3)

 

Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ là con em Quân khu 3 đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên hầu khắp các mặt trận, nhiều người đã chiến đấu dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc và không ít người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể trên các chiến trường ngay trước giờ chiến thắng. Chiến công và sự hy sinh oanh liệt đó đã góp phần làm nên đại thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 8 cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi càng tự hào với truyền thống và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha, anh đi trước, nguyện sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi Đảng, Nhà nước và quân đội yêu cầu, góp phần xây dựng quân đội nói chung, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 3 nói riêng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Em Nguyễn Thị Ngọc Hoa, sinh viên lớp Dược K5A, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình

 

Với lớp trẻ chúng tôi, ngày 30/4 mãi là ngày tự hào và tri ân. Chúng tôi tự hào, khâm phục thế hệ thanh niên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì Tổ quốc cần. Các anh, các chị đã phất cao ngọn cờ "3 sẵn sàng”, "5 xung phong”, đem sức trẻ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, viết nên bản hùng ca bất diệt của tuổi trẻ, góp phần xứng đáng làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.

 

Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, chúng tôi càng ý thức sâu sắc rằng, nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất mà hôm nay chúng tôi có được đã phải đổi bằng xương máu, tuổi xuân, cuộc đời, hạnh phúc của biết bao lớp người đi trước. Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay là phải ra sức gìn giữ những thành quả cách mạng vĩ đại đó, mỗi thanh niên phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, những đoàn viên thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, với quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn, tuổi trẻ chúng tôi xác định phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập và làm theo những lời dạy của Bác; luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, tự tin sánh vai cùng thanh niên các nước trên thế giới.

 

Cựu chiến binh Trần Bài, tổ 16, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình

 

Là thế hệ trực tiếp cầm súng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đã vui mừng tột độ khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải. Biết bao người con của dân tộc đã hi sinh hoặc để lại một phần xương máu ở chiến trường cho nền độc lập tự do. Tôi luôn tự hào khi là người được tham gia trong quân đội giải phóng miền Nam nhưng cũng luôn đau đáu nỗi đau trước sự hi sinh của những đồng đội. Vì vậy khi trở về đời thường, bản thân luôn suy nghĩ phải phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương. 33 năm làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 16, phường Kỳ Bá, tôi luôn coi mỗi nhiệm vụ được giao cho là một nhiệm vụ quan trọng, cùng với cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; tích cực tham gia cùng với Chi hội Cựu chiến binh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, động viên các cháu tích cực tu dưỡng, rèn luyện, học tập góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

 

Đào Quyên – Tất Đạt - Phương Chi - Tiến Đạt

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày