Thứ 5, 08/05/2025, 17:35[GMT+7]

Kỳ vọng "mở cánh cửa" cho các dự án mới Nga-Việt

Thứ 5, 08/05/2025 | 11:02:11
320 lượt xem
Cuộc hội đàm cấp cao tại Moskva giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Bí thư Tô Lâm được kỳ vọng giúp thúc đẩy các thỏa thuận đạt được những năm gần đây và mở ra cánh cửa cho các dự án mới, từ thương mại và công nghệ cao đến các vấn đề an ninh.

Các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn tại lễ khai mạc Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024. (Ảnh XUÂN HƯNG)

Đây là nhận định của hai tác giả người Nga-Giáo sư, Tiến sĩ khoa học chính trị Artem Lukin và Thạc sĩ Danil Ukhalov đều thuộc Viện Phương Đông, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông khi nói về triển vọng quan hệ Nga-Việt thời gian tới.

Nhận định này được đưa ra trong bài phân tích đăng trên website Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga trước thềm chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 8 đến 11/5 và tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Theo các tác giả, hiện nay quan hệ Nga-Việt đang bước vào giai đoạn mới. Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Việt lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử hết sức trọng đại, do vậy cuộc hội đàm mang ý nghĩa biểu tượng cao và có tính chất rất đặc biệt.

Nền tảng quan hệ giữa Moskva và Hà Nội đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Độ tin cậy chính trị cao giữa Nga và Việt Nam được khẳng định thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao nhất.

Giai đoạn năm 2024-2025 đánh dấu động lực mới trong đối thoại giữa Moskva và Hà Nội. Tháng 6/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm tại Hà Nội. Tháng 1 năm nay, Thủ tướng Mikhail Mishustin thăm chính thức Việt Nam…

Bài phân tích đăng trên trên website Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga. (Ảnh chụp màn hình)

Các tác giả nhận định, kế thừa các định hướng chính sách quan trọng được xác định dưới thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ban lãnh đạo mới, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đang thể hiện sự sẵn sàng cho các cải cách cần thiết để đưa đất nước phát triển hơn nữa.

Một trong những sáng kiến quan trọng là sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp. Số lượng tỉnh, thành phố sẽ giảm từ 63 xuống còn 34, mô hình tổ chức hành chính sẽ chuyển từ bốn cấp hiện nay sang ba cấp, bao gồm cấp trung ương, cấp tỉnh/thành phố và cấp xã/huyện. “Cuộc cải cách” này xuất phát từ nhu cầu tối ưu hóa bộ máy nhà nước nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.

Cải cách cơ cấu lãnh thổ phản ánh giai đoạn phát triển mới của đất nước. Việc xây dựng các đường cao tốc tốc độ cao, cải thiện khác về cơ sở hạ tầng vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính phủ điện tử đã làm tăng đáng kể “mức độ kết nối” nội bộ giữa các vùng trong nước. Về mặt kinh tế và cơ sở hạ tầng, Việt Nam hiện đại đang ngày càng hội nhập hơn, đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu quản lý.

Dẫn các chỉ số phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua, hai tác giả nhấn mạnh, việc thay đổi các quy định phù hợp và cải thiện môi trường kinh doanh đang mang lại kết quả. Sự ổn định chính trị trong nước và những cải cách sâu rộng tạo nên nền tảng vững chắc cho chính sách đối ngoại tích cực, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam.

Về chính sách đối ngoại, các nhà nghiên cứu Nga cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày