Thứ 3, 13/05/2025, 20:11[GMT+7]

ABC News: Vì sao bánh mì Việt Nam khiến người Australia “phát cuồng”?

Thứ 3, 13/05/2025 | 14:52:19
302 lượt xem
Trang tin tức ABC News vừa đăng tải bài viết với tiêu đề “Why are Australians obsessed with bánh mì, the Vietnamese roll with the complex history?” (Tạm dịch: Vì sao người Australia “mê” bánh mì Việt Nam, món ăn giản dị chứa đựng câu chuyện lịch sử đặc biệt), phản ánh sức hút ngày càng lớn của bánh mì Việt trên đất Australia.

Người Australia ngày càng yêu thích món bánh mì Việt Nam - một lựa chọn bữa trưa vừa túi tiền, lại tiện lợi khi di chuyển. (Ảnh: Isabella Michie/ABC Radio National)

Bài viết mở đầu bằng lời mô tả sinh động về chiếc bánh mì truyền thống: Lớp vỏ giòn rụm, rau củ ngâm chua mặn, pate, sốt mayonnaise, kèm theo rau mùi, ớt và phần nhân đậm đà. Những yếu tố này đã khiến bánh mì trở thành lựa chọn yêu thích của người Australia trong bữa trưa.

Không chỉ dừng lại ở ẩm thực, bài báo còn đi sâu vào câu chuyện lịch sử và văn hóa của món ăn.

Bài báo trích dẫn lời chia sẻ của Tiến sĩ Anh Nguyễn Austen (Đại học Quốc gia Australia) trên chương trình Sunday Extra cho biết: "Bánh mì về nghĩa đen chỉ đơn giản là chiếc bánh baguette. Nhưng bánh mì Việt Nam nhẹ và xốp hơn baguette Pháp, điều này có liên quan đến khí hậu".

Bà cho rằng sự kết hợp giữa pate, chả lụa và baguette “chính là minh chứng cho khả năng của người Việt trong việc giữ gìn bản sắc và chủ động hòa nhập. Người Việt luôn biết biến thách thức thành cơ hội”.

Người Việt tại Australia: Khởi nghiệp, thành công và lan tỏa giá trị văn hóa

Thập niên 1980 đánh dấu bước ngoặt khi xuất hiện làn sóng người Việt đến Australia mang theo khát vọng lập nghiệp. Chị Jasmine Dinh, chủ tiệm bánh mì tại Bankstown (Sydney), cho biết: "Văn hóa kinh doanh của người Việt là: nếu bạn có thể tự làm chủ, thì luôn tốt hơn là đi làm thuê cho người khác".

Chị Dinh tin rằng mạng xã hội đã góp phần giúp bánh mì ngày càng phổ biến hơn. (Ảnh: Isabella Michie/ABC Radio National)

Ban đầu, tiệm chỉ phục vụ cộng đồng người Việt, đến nay bánh mì đã chinh phục ngày càng nhiều thực khách bản địa. “Giờ đây bánh mì đã thực sự trở thành món ăn được yêu thích trên toàn lãnh thổ Australia”, chị Dinh tự hào.

Trải nghiệm của chị Kelly Le, chủ một tiệm bánh mì tại Carrum Downs bang Victoria, cũng phản ánh quá trình “khai sáng vị giác” cho khách địa phương.

Ban đầu, người dân địa phương còn nhầm lẫn giữa phở và bánh mì, nhưng sau khi được thưởng thức, họ đã dần yêu thích món ăn này và truyền tai nhau.

“Một người ăn thử, rồi quay lại nhà máy kể cho bạn bè, và thế là cả nhóm kéo đến”, chị Kelly Le kể lại.

Nhiều khách hàng ban đầu còn nhầm lẫn về nguồn gốc món ăn, nhưng sau khi làm quen với chủ tiệm và hiểu hơn về văn hóa Việt, họ thậm chí còn quyết định đến Việt Nam du lịch.

Với sự lan tỏa này, từ một cửa hàng ban đầu, chị Le nay đã có thêm 5 cửa hàng bán bánh mì. Đây là minh chứng cho sức lan tỏa kỳ diệu của món ăn giản dị này.

Tiến sĩ Nguyễn Austen cũng chia sẻ một cách hài hước nhưng đầy hình ảnh: "Chiếc bánh mì đúng chuẩn là món khiến bạn ăn xong có thể ra đồng làm việc vài tiếng đồng hồ nữa, nếu không đạt được điều đó thì chưa phải là bánh mì thật sự".

Sức lan tỏa trong cộng đồng địa phương

Sự phổ biến của những món tương tự bánh mì, như bánh mì kẹp salad quen thuộc, phần nào giúp người Australia dễ dàng đón nhận món ăn này - Tiến sĩ Nguyễn Austen nhận định. (Ảnh: Isabella Michie/ABC Radio National) 

Không chỉ là món ăn đường phố phổ biến ở đô thị, bánh mì Việt đang dần trở thành một “hiện tượng” tại nhiều vùng nông thôn Australia, nơi trước đây gần như chỉ quen với món cá chiên và khoai tây.

Tại thị trấn Alice Springs, anh Van Thai Vien Nguyen, một người Việt mới định cư tại Australia đầu năm nay đã mở nhà hàng bánh mì sau khi nhận thấy địa phương thiếu lựa chọn ẩm thực. “Chúng tôi sẵn sàng giải thích cho họ tại sao lại dùng pate, tại sao bánh mì lại như thế này”, anh chia sẻ, cho thấy sự kiên trì trong việc giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt đến cộng đồng bản địa.

Tương tự, anh Joseph Than mang bánh mì đến thị trấn Tamworth vào năm 2022, bất chấp việc ban đầu không ai biết đến món này. Nỗ lực ấy đã được đền đáp: “Giờ thì chúng tôi có khách từ Narrabri, Gunnedah, Armidale, thậm chí cả Newcastle đến ủng hộ, thật tuyệt vời”.

Kelly Le (cuối cùng bên phải) làm việc cùng mẹ và chị gái trong quán cà-phê Việt Nam của cô. (Ảnh: Kelly Le) 

Sự lan tỏa của bánh mì không chỉ dừng lại ở vị giác. Tiến sĩ Nguyễn Austen gọi đây là một dạng "hiệu ứng cây nước" - nơi mọi người tụ tập, trò chuyện khi chờ mua bánh, giống như khoảnh khắc gặp gỡ bên bình nước tại văn phòng.

"Khi làm việc từ xa trở nên phổ biến, chúng ta mất dần những khoảnh khắc kết nối như vậy. Xếp hàng ở tiệm bánh cũng là cách để gắn kết cộng đồng”, bà nhận xét.

Bánh mì Việt cứ thế đã trở thành cầu nối mang lại cảm giác thân tình và sự kết nối xã hội.

Bài viết của ABC News không chỉ tôn vinh hương vị của bánh mì Việt mà còn ghi nhận vai trò của món ăn này như một biểu tượng giao thoa văn hóa, phản ánh sự kiên cường và khả năng thích nghi của cộng đồng người Việt tại Australia. Bánh mì không chỉ là một món ăn, mà còn là một câu chuyện kể bằng hương vị.

Theo: nhandan.vn