Thứ 6, 16/05/2025, 06:13[GMT+7]

Chuyện về một tấm hình

Chủ nhật, 30/11/2014 | 13:53:25
1,364 lượt xem
Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để nhớ lại các nhân vật và sự kiện; để suy ngẫm và tự hào; để giữ gìn và phát huy truyền thống của mảnh đất và con người Thái Bình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương thân yêu của chúng ta.

Bức ảnh trong bài báo này được chụp vào ngày 22/12/1984. Người chụp là anh Lê Mạnh Thoan, nguyên Trợ lý Tuyên huấn Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Dịp đó, Ðảng bộ, quân và dân Thái Bình vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Ðơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ thanh niên đi bộ đội so với dân số cao nhất miền Bắc và là quê hương 5 tấn đầu tiên của hậu phương lớn. Người thay mặt Trung ương Ðảng và Chính phủ về trao danh hiệu là cố Ðại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một người con ưu tú của quê hương Thái Bình. Nhân dịp này, tỉnh mời các Anh hùng lực lượng vũ trang, các nhân chứng lịch sử về dự. Tấm hình có bốn chân dung gắn với những sự kiện lịch sử của dân tộc ta, quân đội ta. Ðó là chị Nguyễn Thị Chiên, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Anh hùng Tạ Quốc Luật, người Ðại đội trưởng chỉ huy tổ 3 người xông vào hầm đầu tiên bắt sống tướng Ðờ-cát-tơ-ri chỉ huy tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ ngày 7/5/1954; Anh hùng Phạm Tuân, người phi công đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B52 và chiến thắng trở về, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Người thứ tư là anh Bùi Quang Thận, người cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Ðộc lập hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (anh Luật, anh Thận đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Một người lính nữa được trao danh hiệu Anh hùng là đồng chí Phạm Huy Nghệ, quê huyện Ðông Hưng. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, đang học dở cấp III, Nghệ xung phong tòng quân vào miền Nam chiến đấu. Nằng nặc xin ra trận nhưng đơn vị vẫn bố trí Nghệ làm y tá đại đội. Nghệ lập nhiều chiến công trong chiến đấu trên cương vị y tá. Miền Nam giải phóng, Nghệ ra Bắc với giấy chứng nhận có hành động đặc biệt dũng cảm trong chiến đấu. Quân đội định cử đi Liên Xô để đào tạo nhưng hạn chế về văn hóa. Sau đó Nghệ ra quân và cùng gia đình đi vào vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Lúc đài báo công bố danh sách những người được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nghệ nửa tin nửa ngờ. Thế là Nghệ và bố khăn gói trở về quê hương Thái Bình. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đón tiếp chu đáo, làm thủ tục để Nghệ trở lại quân đội và báo cáo với Bộ Tư lệnh Quân khu Ba. Gấp đến ngày làm lễ nhận danh hiệu Anh hùng, Bộ Tư lệnh Quân khu thăng quân hàm cho Phạm Huy Nghệ lên chuẩn úy. Quân bưu không kịp chuyển văn bản và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận quyết định qua điện thoại. Ðích thân người viết bài này dẫn Nghệ ra kho quân nhu (nay là doanh trại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) nhận quân phục, giày, mũ sĩ quan.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để nhớ lại các nhân vật và sự kiện; để suy ngẫm và tự hào; để giữ gìn và phát huy truyền thống của mảnh đất và con người Thái Bình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương thân yêu của chúng ta.

Nguyễn Bá Côn

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa