Khó khăn trong quản lý các nhóm trẻ mầm non độc lập
Trường Mầm non tư thục Hoa Phượng (thành phố Thái Bình) tổ chức cho các cháu trải nghiệm thực tế thu hoạch khoai tây.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh hiện có 158 nhóm trẻ mầm non độc lập (MNĐL) ngoài nhà trường, trong đó có 113 nhóm chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép hoạt động, chiếm 71,5%. Đặc biệt, hai huyện Quỳnh Phụ, Tiền Hải chưa có nhóm trẻ MNĐL nào được cấp giấy phép hoạt động.
Theo quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, việc quản lý các nhóm trẻ MNĐL thuộc trách nhiệm UBND xã, phường, thị trấn.
Ghi nhận tại một số địa phương tập trung nhiều nhóm trẻ cho thấy, việc điều tra, nắm bắt thông tin về các nhóm trẻ đã được UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố thực hiện tốt song rất khó khăn trong việc quản lý, xử phạt hành chính do nhu cầu gửi trẻ quá cao của phụ huynh. Một số chủ nhóm, lớp chưa có chuyên môn, chỉ được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về công tác quản lý giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giáo viên, cô nuôi còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt, nhiều địa phương phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên các cơ sở này đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn để đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động.
Trên địa bàn thành phố Thái Bình hiện đã có nhiều trường mầm non tư thục được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng số lượng cháu ở một số trường chưa đông. Trong khi đó, hầu hết các nhóm trẻ MNĐL, kể cả những nhóm không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động vẫn luôn trong tình trạng quá tải.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, số trẻ học tại các nhóm MNĐL chưa có giấy phép hoạt động là gần 1.900 cháu. Nguyên nhân phụ huynh lựa chọn gửi trẻ ở nhóm MNĐL là bởi các nhóm trẻ linh động hơn trong thời gian trông, giữ trẻ, phụ huynh tăng ca, bận việc thì có thể đón con muộn hơn so với giờ quy định hoặc họ vẫn có thể gửi con vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Theo bà Phạm Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình, toàn thành phố hiện có 91 nhóm trẻ MNĐL trong đó 55 nhóm trẻ không có giấy phép hoạt động. Về chuyên môn, Phòng đã giao các trường mầm non công lập quản lý các nhóm trẻ MNĐL này và cũng tạo điều kiện để cô nuôi ở các cơ sở này được tham gia các lớp tập huấn cùng với các trường mầm non trên địa bàn thành phố song trên thực tế nhiều chủ nhóm trẻ không tham gia sinh hoạt chuyên môn thường xuyên tại các trường mầm non công lập nên không nắm bắt kịp thời việc thực hiện đổi mới trong phương pháp giảng dạy cũng như hồ sơ sổ sách.
Không chỉ chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn gặp khó khăn trong việc quản lý mà ngay chính các nhóm trẻ MNĐL cũng đang gặp những khó khăn nhất định, nhất là biến động về giáo viên, số lượng trẻ gây ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục. Có nhiều trẻ vào được 1 tháng, vừa làm quen với môi trường mới thì phụ huynh cho trẻ nghỉ, 1 - 2 tháng sau lại đến gửi nên giáo viên phải dỗ dành, tập cho trẻ làm quen lại từ đầu. Các nhóm trẻ MNĐL chủ yếu trông và chăm sóc trẻ, việc giáo dục còn hạn chế do giáo viên tại một số nhóm, lớp soạn giáo án theo hình thức đối phó, chưa hợp tác thường xuyên với trường mầm non trực tiếp quản lý.
Mặc dù lo lắng nhưng nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn các nhóm trẻ này để gửi con do học phí tại các trường mầm non tư thục cao, số lượng trẻ tại các trường mầm non công lập lại quá đông.
Chị Nguyễn Thị Mai, tạm trú phường Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Vợ chồng tôi từ Thái Thụy lên thành phố làm ở khu công nghiệp nên không thể nhờ người thân giữ con. Bé mới 2 tuổi nên phải gửi tại nhóm trẻ tư thục. Mặc dù lo lắng về chất lượng chăm sóc song trong điều kiện của mình tôi không còn lựa chọn nào khác.
Việc mở các nhóm trẻ MNĐL ngoài nhà trường cũng như đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục là điều rất được khuyến khích theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm một môi trường giáo dục an toàn cho trẻ em thì tất cả các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ theo những quy định của Nhà nước. Công tác quản lý các nhóm trẻ MNĐL cũng cần có sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của chính các bậc phụ huynh.
Đặng Anh
Tin cùng chuyên mục
- Thái Lan kết thúc tìm kiếm nạn nhân vụ sập tòa nhà 30 tầng do động đất 11.05.2025 | 15:27 PM
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn 11.05.2025 | 15:28 PM
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát 11.05.2025 | 15:29 PM
- Học sinh Việt Nam đạt 3 Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á 2025 11.05.2025 | 15:32 PM
- Ngày của Mẹ 11/5: Hãy nấu 5 món ăn phù hợp và bổ dưỡng dành cho các bà, các mẹ! 11.05.2025 | 15:30 PM
- Ngày của Mẹ (11/5) và những bộ phim tràn đầy cảm xúc 11.05.2025 | 15:27 PM
- Lễ hội Cầu ngư: Nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển 11.05.2025 | 14:46 PM
- Hàng chục nghìn người đội mưa xem diễu binh 11.05.2025 | 14:46 PM
- Thị trường chứng khoán phục hồi tích cực tuần qua 11.05.2025 | 14:46 PM
- Công an tỉnh Thái Bình: Triệt phá đường dây lừa đảo hỗ trợ vay vốn online 11.05.2025 | 14:46 PM
Xem tin theo ngày
-
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J
- Phấn đấu khởi công dự án tuyến đường CT.08 vào ngày 12/5/2025
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội